Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Đề xuất cấm thuê lốp, mượn đèn… khi đăng kiểm xe nhằm đảm bảo ATGT được kỳ vọng sẽ chấm dứt việc đi thuê phụ tùng ô tô để qua mặt đăng kiểm.
Chiêu trò qua mặt đăng kiểm
Anh N, chủ một chiếc xe Ford Ranger đời 2014 tại Hà Nội cho biết, để tạo dấu ấn cho "xế cưng", anh đã độ nhiều chi tiết. Trước đây, việc này vẫn được đăng kiểm bình thường, nhưng hồi tháng 3/2023, anh đưa xe đi kiểm định thì bị trượt.
Vì đã độ xe, anh N không còn giữ đồ nguyên bản. Sau khi lên mạng hỏi, có một gara ngỏ ý cho thuê những món đồ "zin" lắp lại trên xe để qua đăng kiểm.
"Tôi thuê nhiều bộ phận như đèn, mặt ca-lăng, logo hết khoảng 4 triệu đồng, đưa xe về nguyên bản lập tức đạt kiểm định. Sau đó, tôi quay lại gara để thợ tháo đồ "zin" ra và lắp lại các chi tiết "độ" như cũ", anh N kể.
Giống anh N, cuối năm 2022, anh V.Đ (trú tại TP.HCM) cũng bị từ chối đăng kiểm xe Chevrolet Colorado đời 2017 do độ đèn pha (halogen nguyên bản) lên loại bi-LED và độ mâm xe. Do không còn giữ đèn và mâm xe nguyên bản, anh Đ phải thuê ở một garage quận 2 với chi phí 1,5 triệu đồng/ngày.
Khi các trung tâm siết chặt kiểm định phương tiện kể từ sau cuộc khủng hoảng đăng kiểm, thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2023, có khoảng 30% phương tiện bị trượt kiểm định lần đầu, đa số do độ xe.
Từ đây, nở rộ dịch vụ cho thuê phụ tùng nguyên bản để lắp trên xe nhằm qua mặt đơn vị đăng kiểm. Các trường hợp phổ biến như: độ mặt ca lăng, logo, lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc, độ đèn xe, lắp thêm ghế, thay đổi màu sơn, thay đổi kết cấu xe.
Trên trang web của một gara ô tô ở TP.HCM có tên Hoàng Kim còn công khai quảng cáo cho thuê phụ kiện ô tô về "zin" xe đi đăng kiểm với giá rẻ. Các phụ kiện gara có sẵn để cho thuê như đèn pha, đèn hậu, mâm, lốp. Riêng với xe bán tải còn có thêm vai thể thao, cản, vô lăng. Thời gian cho thuê từ 2-3 ngày, giá cho thuê đã bao gồm chi phí lắp đặt. Thậm chí, gara này còn có dịch vụ lắp tận nơi.
Chủ một gara ô tô ở Hà Nội cho biết, công tháo lắp phụ tùng xe thông thường tại các gara dao động từ 300 – 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, việc tháo, lắp các món phụ kiện độ theo xe thường tốn khá nhiều thời gian, từ vài giờ đến nửa ngày, do đó, tiền công tháo lắp tuỳ từng nơi rơi vào từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, chưa tính tiền thuê phụ tùng.
Ông Trần Quốc Hoan, lãnh đạo phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V (Hà Nội) cho biết, việc kiểm định xe rất khó để phát hiện các phương tiện thuê phụ tùng hay không vì đa số đều đúng chủng loại.
"Đơn vị đăng kiểm chỉ chịu trách nhiệm tại thời điểm kiểm tra phương tiện, còn sau đó, người dân có về tháo ra lắp lại phụ kiện độ hay không thì không thể kiểm soát. Việc này do lực lượng chức năng kiểm soát khi xe tham gia giao thông trên đường", ông Hoan nói.
Ngăn xe mất an toàn lưu thông
Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đề xuất đưa hành vi thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm vào hành vi bị nghiêm cấm, nhằm phù hợp với tình hình thực tế và góp phần ngăn chặn tình trạng trên.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, thực tế, Nghị định 100/2019 đã có chế tài xử phạt hành vi thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe khi kiểm định, từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe vi phạm.
"Song, việc luật hoá quy định trên vẫn thực sự cần thiết, từ đó có thêm chế tài xử phạt không chỉ với chủ phương tiện mà ngay cả với gara ô tô cung cấp dịch vụ trên. Có như vậy mới đảm bảo các phương tiện đạt điều kiện an toàn khi tham gia giao thông", luật sư Bình nói.
Cho rằng đề xuất trên là cần thiết, song, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, cần định nghĩa cụ thể về thuật ngữ "tạm thời" sao cho thuận lợi trong việc xác định hành vi vi phạm, từ đó mới có thể xử phạt.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc xác định hành vi thuê phụ tùng tạm thời để đi đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, việc luật hoá hành vi này là cần thiết giúp nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô biết được đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật, nếu thực hiện sẽ bị xử lý, từ đó, tăng tính răn đe.
Ngoài ra, quan trọng nhất phải kiểm soát được từ ngọn - đó là các gara ô tô. Hiện nay, nhiều gara mọc lên nhưng không được quản lý chặt chẽ, nhất là về loại hình kinh doanh dịch vụ, nguồn gốc, chất lượng phụ tùng, sản phẩm.
Vị lãnh đạo này cũng khuyến cáo người dân không nên tuỳ tiện độ phụ kiện theo xe. Về nguyên tắc không cấm cải tạo, lắp đặt thêm phụ kiện của xe nhưng phải đảm bảo theo quy định về cải tạo phương tiện tại Thông tư 85/2014.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư này theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân, sẽ miễn lập hồ sơ thiết kế cải tạo một số hạng mục đơn giản để phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, Thông tư 08/2023 quy định về kiểm định phương tiện giao thông đường bộ đã ban hành, có hiệu lực cũng sửa đổi một số quy định cho phép chủ xe được lắp đặt bệ bước chân, thay mặt ca lăng cùng kích thước, không còn quy định về hoa lốp khi thay lốp (nhưng vẫn phải đúng kích thước lốp ban đầu).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường