Để đổi mới sáng tạo: hãy để cho doanh nghiệp 'dám làm dám chịu'
Theo ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land, đổi mới sáng tạo là làm ra những thứ mới, chưa có tiền lệ. Nên để có cái mới thì phải chấp nhận mạo hiểm, mới có cơ hội tạo ra sự đột phá.
Ông Hoàng Mai Chung phát biểu tại hội thảo “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Phát biểu tại hội thảo "Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", diễn ra ngày 9-11 trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land, cho biết đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, quan trọng nhất là doanh nghiệp nắm bắt được hạn chế của thị trường.
Đơn cử như với thị trường bất động sản, đó là thông tin chưa minh bạch. Người dân rất không dễ tiếp cận các thông tin quy hoạch, giá cả… Để giải quyết được vấn đề này, doanh nghiệp cần nhanh chóng tạo ra được "sản phẩm chuyển đổi số - proptech" mang tính giải pháp.
Trên thực tế, để phát triển mô hình kinh doanh kiểu mới, đôi khi doanh nghiệp cũng thiếu cơ sở để giải trình vì chưa có trong tiền lệ. Dẫn đến, cơ quan quản lý cũng lúng túng trong việc cấp phép hoạt động.
Có những mô hình là hệ sinh thái nhiều sản phẩm, đa dạng hình thức, như câu chuyện từng diễn ra với Uber, hay Grab, không định danh được đó là công ty vận tải hay công ty công nghệ.
Theo ông Chung, đổi mới sáng tạo là làm ra những thứ mới, chưa có tiền lệ. Nên để có cái mới, hãy chấp nhận để doanh nghiệp "dám làm dám chịu", chấp nhận mạo hiểm thì mới có cơ hội tạo ra sự đột phá.
"Nếu cơ quan quản lý muốn doanh nghiệp chỉ làm những thứ an toàn thì rất khó có được sự thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", ông Chung chia sẻ.
Ông Chung cho rằng, hãy chấp nhận để cho doanh nghiệp "dám làm dám chịu", chấp nhận mạo hiểm để cho doanh nghiệp mạo hiểm làm những thứ mới.
Ông Chung cho biết công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang bùng nổ trên toàn cầu. Doanh nghiệp muốn ra biển lớn cần phải có nội lực lớn, phải mạnh từ bên trong thì mới đem lại thành công cho cuộc cách mạng công nghiệp của nước nhà.
"Để doanh nghiệp mạnh từ bên trong thì phải đầu tư vào khoa học công nghệ. Điều doanh nghiệp rất mong chờ lúc này là cần có thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước", ông Chung chia sẻ.
Trao đổi với đề xuất của doanh nghiệp, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương cũng đồng tình khi cho rằng chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn, tiếp cận ở mức thấp đối với tất các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.
Để trong vòng 5 năm tới, tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025 như mục tiêu đã đặt ra, ông Hải cho rằng cần phải có hoàn thiện hệ thống pháp luật để khơi thông nguồn lực phát triển công nghiệp. Bộ Công thương đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý giao xây dựng Luật phát triển công nghiệp.
"Cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và trước hết là ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ đầu tàu của Việt Nam như FPT, Viettel… doanh nghiệp lớn phát triển thì mới kéo các doanh nghiệp nhỏ phát triển theo. Còn chính sách hỗ trợ một cách bình bình và cho tất cả các doanh nghiệp thì rất khó thành công" - ông Hải nói.
Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, các ý kiến tham gia tại hội thảo góp ý DN cần phải xác định không phải chỉ đưa công nghệ nào vào sản xuất, kinh doanh mà nó còn là yếu tố, điều kiện quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận