menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Vân

Để đánh giá liệu Heineken có vi phạm Luật Cạnh tranh

Dư luận đang xôn xao về việc Công ty Bia Heineken đã yêu cầu các đại lý và nhà bán lẻ (đại lý) không được bán sản phẩm bia Saigon Chill của Sabeco. Trong trường hợp các đại lý vẫn tiếp tục bán sản phẩm Saigon Chill, Heineken sẽ cắt khoản tiền hỗ trợ hàng tháng, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng tùy vào quy mô của đại lý.

Vấn đề pháp lý đặt ra là: liệu hành vi của Heineken có đi ngược lại các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam hay không?

Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan (doanh nghiệp thống lĩnh) thông thường sẽ là doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan(1). Với mức thị phần lớn như vậy, họ nắm giữ nguồn cung chủ yếu hoặc là người mua chủ yếu. Nhìn từ khía cạnh kinh tế, với tư cách là người bán sản lượng lớn, các cá nhân, doanh nghiệp trở thành nhà phân phối của doanh nghiệp thống lĩnh theo đó sẽ bán được nhiều hàng. Khi bán được nhiều hàng hóa thì thu nhập của các đại lý sẽ càng cao.

Vấn đề từ đây sẽ phát sinh: các đại lý sẽ có thêm thu nhập khi bán thêm hàng của đối thủ cạnh tranh. Nhìn từ góc độ của các đối thủ, so với việc phải tự bỏ tiền để mở ra kênh phân phối mới thì họ chỉ cần trả hoa hồng cao hơn so với doanh nghiệp thống lĩnh, là họ có thể sử dụng kênh phân phối đại lý 1, đại lý 2, đại lý 3... của doanh nghiệp thống lĩnh. Cũng vì lẽ đó, để bảo vệ thị trường, ngăn cản việc mở rộng thị trường của đối thủ cạnh tranh, yêu cầu của doanh nghiệp thống lĩnh đối với các nhà phân phối là: không bán hàng của đối thủ. Và đó cũng là khi Luật Cạnh tranh sẽ can thiệp để bảo vệ cạnh tranh trên thị trường.

Heineken có lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường?

Việc xác định bản chất khoản “tiền thưởng” mà Heineken dành cho các đại lý là một yếu tố mấu chốt để xác định có hay không hành vi vi phạm - lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo điều 27.1(e) Luật Cạnh tranh 2018.

Các đánh giá về truyền thông đều nghiêng về khả năng hành vi của Heineken là hành vi ngăn cản việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác theo điều 27.1 (e) Luật Cạnh tranh 2018 - Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm (hành vi ngăn cản). Tuy vậy, với một thái độ dè dặt trong bối cảnh thông tin không đầy đủ, có vài điều sau đây cần lưu ý trước khi kết luận có hay không hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh.

Một là: Điều kiện tiên quyết để xác định hành vi của Heineken là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh đó là phải chứng minh công ty này có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có sức mạnh thị trường đáng kể. Trên thực tế, việc xác định thị trường liên quan chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng.

Hai là: Giả định Heineken có vị trí thống lĩnh, thì liệu rằng hành vi của họ có vi phạm điều 27.1(e) Luật Cạnh tranh 2018 hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, có hai yếu tố cần được minh định:

(i) Bản chất của khoản tiền mà Heineken dành cho các đại lý là gì? Nếu nó là một khoản tiền mang tính chất thưởng mà công ty này dành cho các đại lý vì họ đã bán hàng đạt kết quả tốt sẽ khác về bản chất so với việc khoản tiền này là một khoản mà các đại lý luôn được hưởng hàng tháng. Cần phải thấy, việc tạo lập các mối quan hệ mang tính chất đối tác lâu dài là một việc làm bình thường trong chuỗi sản xuất. Tại sao các nhà phân phối trung thành lại không xứng đáng được hưởng lợi ích cao hơn so với các nhà phân phối luôn bán rất nhiều loại hàng hóa và sẵn sàng bỏ mình bất cứ lúc nào, khi thị trường thay đổi? Do đó, nhìn từ khía cạnh chuỗi phân phối, nếu doanh nghiệp sản xuất dành ưu đãi cho các đại lý trung thành thông qua việc thưởng hàng tháng là hợp lý và công bằng. Do đó, việc xác định bản chất khoản “tiền thưởng” mà Heineken dành cho các đại lý là một yếu tố mấu chốt để xác định có hay không hành vi vi phạm.

Hành vi của Heineken sẽ có dấu hiệu vi phạm điều 45.2 Luật Cạnh tranh 2018 (ép buộc trong kinh doanh) khi và chỉ khi hành vi này mang tính chất là “nếu bạn bán Saigon Chill, tôi sẽ cắt tiền thưởng”, một khoản tiền mà Heineken luôn luôn áp dụng và dành cho cho tất cả các đại lý.

(ii) Phản ứng của các đại lý như thế nào trước yêu cầu của Heineken? Theo truyền thông thì phản ứng của các đại lý là không thống nhất. Các đại lý lớn họ không thực hiện việc tẩy chay sản phẩm Saigon Chill, nhưng các đại lý nhỏ thì lại thực hiện. Do đó, nếu quy mô chiến dịch này được Heineken áp dụng chủ yếu đối với các đại lý lớn, thì việc họ bị các đại lý từ chối yêu cầu không bán sản phẩm Saigon Chill đã là một đòn đau. Nhưng nếu quy mô chiến dịch này được Heineken áp dụng chủ yếu đối với các đại lý nhỏ và các đại lý này áp dụng việc tẩy chay Saigon Chill, tôi cho rằng có cơ sở để xem xét việc áp dụng quy định tại điều 27.1(e) đối với công ty này.

Về khả năng cạnh tranh không lành mạnh

Nhìn từ góc độ của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có thể cân nhắc hành vi ép buộc trong kinh doanh. Theo đó, hành vi này có cấu thành là: doanh nghiệp có hành vi mang tính ép buộc đối với khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó (điều 45.2 Luật Cạnh tranh 2018). So với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, thì hành vi này đơn giản hơn rất nhiều. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền chỉ cần xác định có hay không việc Heineken ép buộc các đại lý không bán bia Saigon Chill. Tính chất ép buộc này, một lần nữa lại phụ thuộc vào bản chất của khoản “tiền thưởng” như đã đề cập ở trên. Cho nên, hành vi của Heineken sẽ có dấu hiệu vi phạm điều 45.2 Luật Cạnh tranh 2018 khi và chỉ khi hành vi này mang tính chất là “nếu bạn bán Saigon Chill, tôi sẽ cắt tiền thưởng”, một khoản tiền mà Heineken luôn luôn áp dụng và dành cho cho tất cả các đại lý.

Và việc thực thi Luật Cạnh tranh

Luật Cạnh tranh 2018 đã có những khác biệt căn bản so với Luật Cạnh tranh 2004. Theo đó, nếu như trong Luật Cạnh tranh 2004 các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh được hướng dẫn một cách chi tiết(2) thì Luật Cạnh tranh 2018 không có các hướng dẫn chi tiết như vậy. Hệ quả của điều này đó là Luật Cạnh tranh 2018 sẽ được áp dụng theo một cách rất linh hoạt dựa trên nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason). Đây là cách tiếp cận đang được áp dụng tại Mỹ và tôi cho đó là điểm thú vị. Nhưng, có ba điểm sau đây theo tôi là đáng quan tâm:

Thứ nhất, Mỹ đã có lịch sử trăm năm thực thi về luật cạnh tranh với hàng trăm án lệ có liên quan và quan trọng hơn là được định hướng với các học thuyết pháp lý. Đặt trong bối cảnh một nền kinh tế thị trường của Việt Nam, với sự thiếu vắng các án lệ, học thuyết pháp lý và nay thiếu cả các hướng dẫn thi hành, tôi cho rằng điều đó là đáng quan ngại cho việc thực thi và tạo nên sự khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ Luật Cạnh tranh.

Thứ hai, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, cơ quan thực thi là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, cho đến bây giờ, cơ quan này vẫn chưa ra đời. Mặc dù điều 7 Luật Cạnh tranh 2018 quy định Bộ Công Thương là đầu mối quản lý về cạnh tranh, nhưng với việc thiếu vắng cơ quan chuyên môn do luật định thì việc quản lý của Bộ Công Thương vẫn khá là miễn cưỡng.

Điều cuối cùng là Sabeco, theo một cách nào đó, vẫn là một doanh nghiệp có liên quan đến Bộ Công Thương nhìn từ góc độ sở hữu vốn(3). Việc Bộ Công Thương giải quyết trong trường hợp này là đáng quan tâm dưới khía cạnh có hay không khả năng mâu thuẫn lợi ích.

Việc áp dụng Luật Cạnh tranh, mặc dù như trên đã phân tích, có những “điểm neo” để cân nhắc, nhưng lựa chọn và nhận định các tình tiết như thế nào để từ đó đưa ra kết luận, phụ thuộc rất lớn vào cơ quan thực thi. Cho nên, có thể coi vụ Heineken như là một phép thử đầu tiên cho việc thực thi Luật Cạnh tranh 2018.

(*) Cố vấn pháp lý Victory LLC

(1) Theo Luật Cạnh tranh 2018 thì vị trí thống lĩnh của một doanh nghiệp được xác định dựa trên hai tiêu chí là (i) có thị phần 30% trở lên; hoặc (ii) có sức mạnh thị trường đáng kể.

(2) Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15-9-2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

(3) Mặc dù ngày 28-8-2020 Bộ Công Thương đã thực hiện việc chuyển giao phần vốn tại Sabeco cho SCIC theo Quyết định số 908/QĐ-TTg.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả