Dễ dàng có tiền, giới trẻ nợ chồng chất vì vay tiền qua ứng dụng
Các chuyên gia cho biết các khoản vay trực tuyến khiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương vì họ có thể dễ dàng ký vào khoản nợ có lãi suất cao và các điều khoản không công bằng
Gary Wang, 25 tuổi, không thể trả tất cả các khoản mua sắm của mình, tuy nhiên chàng trai này vẫn tiếp tục đặt hàng. Điện thoại thông minh và quần áo xuất hiện trên các ứng dụng video ngắn hoặc đặt hàng mang đi dường như quá tiện lợi, và tất nhiên các nền tảng này cung cấp cả những tính năng tín dụng dễ dàng.
Wang, người có thu nhập hàng tháng là 8.000 nhân dân tệ (1.191 USD) cho biết: "Vay từ các nền tảng trực tuyến dễ dàng hơn rất nhiều so với người quen". Vào thời điểm nhận ra mình không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, anh ấy đã vay 150.000 nhân dân tệ, chủ yếu là để ăn tối và trang trải chi phí cho bạn gái lúc bấy giờ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế thị trường tín dụng và cho vay tiêu dùng trực tuyến của quốc gia, đưa các doanh nghiệp fintech - bao gồm Ant Group, có dịch vụ tín dụng vi mô từng tiếp cận ít nhất 350 triệu người vay – gắn với các yêu cầu quy định như các ngân hàng truyền thống. Nhưng thói quen “mua ngay, trả sau” đã ăn sâu vào thế hệ trẻ.
"Các dịch vụ cho vay trực tuyến về cơ bản đã tiếp quản mọi ứng dụng bạn có thể truy cập trên điện thoại của mình, vì vậy bạn sẽ nghĩ đến chúng bất cứ khi nào bạn trả tiền", Wu Ying, một nữ kỹ thuật viên y tế tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết.
Cô gái 26 tuổi lần đầu tiên vay nợ để trang trải các giao dịch mua hàng trực tuyến của mình. Khi các hóa đơn chồng chất, cô chuyển sang nhiều kênh tín dụng hơn, cuối cùng tích lũy các khoản nợ trên chín nền tảng bao gồm Alipay của Ant Group, Meituan, ByteDance’s Douyin và Qihoo 360.
Khi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh về tín dụng trực tuyến đã khiến nhiều công ty Công nghệ lớn thu hẹp quy mô hoạt động liên quan của họ, các dịch vụ nhỏ hơn đã gia tăng. Theo các nhà phân tích và người tiêu dùng, chính phủ hầu như không thể loại bỏ tất cả chúng vì nhiều loại dịch vụ vẫn hoạt động đúng quy định.
Hệ thống ngân hàng kém phát triển của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho sự tồn tại của một thị trường cho vay rộng lớn. Trong khi thế hệ cũ có thể chọn vay từ người thân trong gia đình, thì thế hệ trẻ hiểu biết về kỹ thuật số đã quen với việc tìm kiếm trợ giúp trực tuyến.
Một trong những ứng dụng vay trực tuyến mà giới trẻ sử dụng để trang trải khoản nợ của mình là Youqianhua, nghĩa đen là "Tôi có tiền để tiêu". Theo trang web của ứng dụng, dịch vụ này thuộc công ty fintech khổng lồ của Baidu, hứa hẹn sẽ phê duyệt đơn đăng ký vay trong thời gian ngắn nhất là 30 giây.
Điều này dễ dàng hơn nhiều so với vay ngân hàng, vốn thường phải có tài sản thế chấp và giấy tờ. Hầu hết các dịch vụ vay trực tuyến chỉ cần yêu cầu số ID và các thông tin cá nhân cơ bản khác.
Tang Yinan, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc của Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho biết các ứng dụng vay trực tuyến khiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương, vì họ có thể dễ dàng ký vào khoản nợ có lãi suất cao và các điều kiện không công bằng, chẳng hạn như các khoản phí bổ sung.
Một nhân viên bán xe hơi tại Giang Tô (Trung Quốc) cho biết anh đã ký hai hợp đồng khi vay trực tuyến thông qua nền tảng blog giống Twitter: Weibo. Một khoản vay có lãi suất 8%, trong khi khoản vay còn lại đòi phí dịch vụ 14% với Weibo đóng vai trò là người bảo lãnh.
Tổng chi phí của hai khoản vay, cùng với các khoản phụ phí khác, lên tới 22,4%, ngoài khoản tiền vay gốc là 10.000 nhân dân tệ. Vào ngày đầu tiên khi khoản nợ quá hạn, người đàn ông này cho biết những người thu nợ đã nhanh chóng gửi cho anh những tin nhắn đe dọa.
Những người đòi nợ sau đó đã xác định danh tính của anh trên mạng xã hội. Cuối cùng, anh đã trả được các khoản vay của mình với sự giúp đỡ của gia đình và thề sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận