24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đức Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị bốn vấn đề quan trọng khi thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia

Cần cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ..., bà Thanh nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bù đắp khoảng trống quy hoạch tổng thể quốc gia dài hạn, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm phát triển của Đại hội Đảng XII, các nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Điều tôi ấn tượng hơn cả, đó là sự bài bản, cầu thị của việc xây dựng quy hoạch thông qua việc trao đổi, tiếp thu ý kiến nhiều lần của Hội đồng thẩm định, các bộ, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, học tập kinh nghiệm quốc tế. Do vậy, quy hoạch trình Quốc hội đã thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch một cách có hệ thống, trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển quốc gia, tuân thủ các định hướng chiến lược phát triển có liên quan”, bà Thanh bày tỏ.

Để quy hoạch đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất, phù hợp hơn nữa với hiện trạng và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh góp ý bốn vấn đề:

Một là, quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ, vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn để tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

“Tôi dẫn chứng một vài con số để thấy Việt Nam đã có vị thế nhất định trên trường quốc tế và những kết quả ban đầu khá ấn tượng của nước ta về phát triển kinh tế số, đổi mới, sáng tạo và nỗ lực giảm phát thải ròng trong giai đoạn 2020-2022. Theo một nghiên cứu quốc tế gần đây, kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đứng thứ ba ASEAN, sau Indonesia và Thái Lan, với quy mô là 23 tỷ USD, khoảng 6,3% GDP, tăng 28% so với năm 2021. Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo toàn cầu, đứng thứ 55/181 thế giới và thứ 6/10 ASEAN. Số lượng người mua sắm trực tuyến đạt 60 triệu, đứng thứ 2 ASEAN về tỷ lệ so với dân số sau Singapore. Việt Nam cũng xếp hạng 70 trên thế giới và thứ 14 trong số 50 quốc gia châu Á về công nghệ tài chính.

Theo báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 của Việt Nam thì mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 tăng từ 9% năm 2020 lên 15,8%, giảm thêm 62,4 triệu tấn CO2, đóng góp có điều kiện tăng từ 27% lên 43,5%, giảm thêm 150 triệu tấn CO2.

Với những quả đó, trong quy hoạch chúng ta nên xem xét, nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2050, đó là Việt Nam thuộc nhóm các nước phát triển kinh tế số và công nghệ tài chính hàng đầu khu vực châu Á cũng là phù hợp với nghị quyết Đại hội XIII về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn”, bà Thanh phân tích.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nêu mục tiêu cụ thể cần xem xét điều chỉnh:

Thứ nhất, mục tiêu phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế, nên điều chỉnh thành phấn đấu có 5 đến 10 đô thị xanh thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, chúng ta đã, đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về thành phố xanh, thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào chất lượng tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu, đồng thời việc phát triển kết hợp giữa xanh và thông minh thể hiện mức độ cao hơn, phù hợp hơn với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, theo Quyết định số 1658 ngày mùng 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, giảm phát thải nhà kính và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị bốn vấn đề quan trọng khi thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia
Cần sớm nghiên cứu hoàn thiện bộ chỉ tiêu đánh giá tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa: NQ

Thứ hai, xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số đó là số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đổi mới công nghệ tăng trung bình 15 đến 20% trong giai đoạn 2021-2030 và tăng 5 đến 10% trên năm đến năm 2050 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vốn đang tiến triển chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới công nghệ thành công sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ nền tảng số của Chính phủ, tổ chức và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.

Về tăng tính độc lập, tự lực, tự cường, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Đây là mục tiêu phù hợp với bối cảnh mới hiện nay và sắp tới, nhất là sau dịch bệnh, xung đột vũ trang, chúng ta đã thấy vai trò quan trọng của những năng lực này.

“Việt Nam có thể đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 đó là năng lực tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đạt trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực ASEAN hoặc châu Á, bao gồm cả đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh chuỗi cung ứng. Cùng với việc đưa ra các mục tiêu dài hạn, Chính phủ và các cơ quan điều hành, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế nên sớm nghiên cứu, hoàn thiện bộ chỉ tiêu đánh giá tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế”, bà Thanh nêu đề xuất.

Thứ ba, về phát triển vùng và liên kết vùng, nên chú trọng đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, cực tăng trưởng về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển, bổ sung thêm một số chỉ tiêu về phát triển xã hội, môi trường của từng vùng. Hiện trong dự thảo chỉ có chỉ tiêu về kinh tế phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia và quy hoạch vùng.

Ngoài ra, nên bổ sung mục tiêu liên kết phát triển vùng toàn diện, hiệu quả, là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030. Theo đó, đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp về liên kết trong nội vùng và giữa các vùng không chỉ liên kết về giao thông mà còn liên kết về phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ logistics, du lịch, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số theo hướng phát huy tối đa lợi thế vượt trội, đặc trưng của từng vùng, miền.

Thứ tư, về giải pháp nguồn lực thực hiện quy hoạch, dự thảo đang chưa phân tách rõ các nguồn lực cần để thực hiện quy hoạch và các giải pháp để khai thác hiệu quả tối ưu các nguồn lực; đồng thời các giải pháp cũng chỉ mới nêu ở mức tổng quan, sơ bộ, chưa chi tiết, cụ thể.

“Bên cạnh nguồn lực về cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực như dự thảo thì cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các nguồn lực để thực hiện quy hoạch như hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng số, hạ tầng kinh tế tuần hoàn, hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng an ninh mạng.

Đồng thời, giao Chính phủ xây dựng hệ thống giải pháp chi tiết hơn, đầy đủ, rõ ràng hơn đối với từng nguồn lực có gắn với việc phát triển các thị trường, cho các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh như thị trường khoa học, công nghệ, thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường tài chính, thông tin dữ liệu số, góp phần đảm bảo tính khả thi trong triển khai các quy hoạch”, đại biểu Thanh đề nghị.

Báo cáo tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Về các vùng động lực quốc gia, trong thời kỳ trước chúng ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm với một quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm tới 27,5% diện tích của cả nước, 53,1% dân số cả nước. Các vùng kinh tế trọng điểm này chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm này vẫn đang còn có trình độ phát triển dưới hoặc là tương đương với mức trung bình của cả nước.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay thì việc lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế thì sẽ xác định ra 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng như trong báo cáo đã đề ra, ưu tiên cả về thể chế và nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đóng góp lớn hơn, tạo sự lan tỏa nhiều hơn cho cả vùng xung quanh và cho cả nước. Còn các vùng khác thì đã đưa ra định hướng là sẽ dần hình thành các vùng động lực mới ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không phải chỉ bó hẹp như thế. Nhưng hiện nay với điều kiện cụ thể để tập trung trọng tâm, trọng điểm thì chúng tôi chỉ lựa chọn 4 vùng này.

Việc hình thành các hành lang kinh tế là nhằm tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và cả nước, các hành lang giao thông này đã có và sẽ trở thành các hành lang trọng điểm kinh tế. Các hành lang kinh tế được lựa chọn gắn với cả các tuyến giao thông đường bộ, cao tốc, đường sắt, kết nối các đô thị, các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, các cảng biển, các cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế từ đầu mối giao thương lớn và ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế với vùng động lực của quốc gia, các hành lang kinh tế kết nối với hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế, có sự tính toán và gắn kết với các hành lang của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hôm nay có nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số tuyến hành lang, chúng tôi xin phép được tiếp tục nghiên cứu, nếu thấy phù hợp thì sẽ báo cáo để bổ sung thêm một số hành lang khác".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả