Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, mở rộng cơ hội thị trường cho hàng Việt
Linh hoạt ứng dụng công nghệ số trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nước khai thác tốt các cơ hội thị trường, mở rộng xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất.
Hỗ trợ khai thác thị trường EU
EU luôn là một trong những thị trường trọng điểm cho triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của Bộ Công Thương. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng loạt sự kiện xúc tiến tiêu thụ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu EU đã được thực hiện có hiệu quả. Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, hàng năm có khoảng 10-15 đề án XTTM, kinh phí trung bình khoảng 20 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ hoặc hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… tham gia. Sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ chuyên ngành quy mô lớn đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực, dần xây dựng uy tín, hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU.
Theo các chuyên gia, với EVFTA hàng hoá Việt Nam có cơ hội lớn gia tăng thị phần tại EU. Nhất là ở thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu dùng tại khu vực thị trường này tăng cao trong khi nguồn cung hàng hoá thiếu, nếu tận dụng được cơ hội sẽ giúp doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh quá trình hồi phục sản xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA và cơ hội thị trường, bên cạnh việc tiếp tục duy trì sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện XTTM chuyên ngành tại EU, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử - vốn là thế mạnh của Việt Nam hướng tới thị trường này. Bộ cũng thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí để đạt chứng nhận quốc tế cho sản phẩm như EuroGAP, VietGAP, GlobalGAP….; kết nối chuyên gia thiết kế và marketing trong và ngoài nước để cùng doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu, thông điệp truyền thông thương hiệu giúp gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Cùng đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường các sự kiện xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến chế biến với các doanh nghiệp, đối tác EU đầu tư tại Việt Nam để dễ dàng đáp ứng được các quy tắc của EU.
Thành công từ ứng dụng công nghệ số
Các sự kiện giao thương trực tuyến với nhà nhập khẩu EU nói riêng và nhà nhập khẩu trên toàn thế giới được tổ chức thành công thời gian quan cũng đồng thời phản ánh sự nhanh nhạy và linh hoạt trong ứng dụng công nghệ số để triển khai các hoạt động của Bộ Công Thương. Từ đầu năm đến nay, do không triển khai được các hoạt động XTTM truyền thống và trực tiếp, Bộ Công Thương đã và hỗ trợ các địa phương trên cả nước, hiệp hội ngành hàng tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số. Điển hình như các hội nghị kết nối cung-cầu xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, hội nghị giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Bulgaria, khối Mecosur, Đức… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế trực tuyến tại Việt Nam, lựa chọn các hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín tại các thị trường tiềm năng để tổ chức cho doanh nghiệp tham gia gian hàng trực tuyến hoặc gian hàng từ xa.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng hệ sinh thái XTTM một cách toàn diện, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của dịch Covid-19. Hệ sinh thái bao gồm: Hệ thống kết nối giao thương trực tuyến nhằm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu và giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng phần mềm quản lý hội chợ, triển lãm, khuyến mại và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu.
Có thể thấy, với sự nhanh nhạy trong chuyển đổi số, linh hoạt ứng dụng các hình thức XTTM mới, Bộ Công Thương đã và đang đồng hành hiệu quả cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội thị trường, các hiệp định thương mại tự do và mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho hàng Việt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận