Đây là thời cơ để xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội
Đẩy mạnh xuất khẩu gạo là quan điểm ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 vào chiều 1-8
Trả lời báo chí về tình hình sản xuất cũng như "nắm bắt thời cơ" đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết kế hoạch gieo cấy năm 2023 là 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, trả lời báo chí tại họp báo.
Trong thời gian vừa qua, Cục Trồng trọt phối hợp với một số đơn vị của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Mục tiêu trên 43 triệu tấn có thể đạt được.
Ông Cường cho biết để đạt được mục tiêu trên 43 triệu tấn lúa, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, giải pháp kỹ thuật. Với các giải pháp canh tác lúa như hiện nay, 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, bởi vậy vụ đông xuân năm nay sẽ cho sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn thóc.
"Dự kiến, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực" - ông Cường khẳng định.
Nói về thời cơ xuất khẩu gạo của Việt Nam, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ thu đông ở ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha.
"Đây là thời cơ để chúng ta xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội" - ông Cường nói, đồng thời cho biết hôm qua 31-7, Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
"Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ ngành và địa phương sẽ tập trung các giải pháp về kỹ thuật, hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nông dân để tăng xuất khẩu gạo" - ông Cường nói.
Về vấn đề Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam để làm thức ăn chăn nuôi hay không, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết nhu cầu sử dụng cám gạo của Việt Nam không phải lớn và cám gạo không phải là thành phần quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,7 triệu tấn cám gạo để làm thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên thị trường trong nước đã đáp ứng khoảng 4 triệu tấn, nhập khẩu chỉ 0,7 triệu tấn/năm và thành phần trong cám trích ly chỉ chiếm 5-10%.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, có thể thay thế cám gạo bằng cám mì, bởi cám mì có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành phù hợp 6,2 đến 6,5 ngàn đồng/kg. Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi ở trong nước.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ NN-PTNT, cho biết mấy ngày gần đây giá gạo tăng rất cao, đây là tín hiệu vui nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác.
Theo đó, giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg.
Theo ông Việt, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỉ USD, tăng 29,6%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận