Dây cáp điện Việt Nam (CAV) - 'Gà đẻ trứng vàng' của Tập đoàn GELEX chuẩn bị rời HoSE
Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã cổ phiếu CAV) sẽ chính thức rời sàn HoSE từ ngày 18/7 tới đây.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vừa thông báo hủy niêm yết đối với cổ phiếu CAV của Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã cổ phiếu CAV).
Theo đó, dự kiến 57,6 triệu cổ phiếu CAV sẽ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 18/7/2024 do Dây cáp điện Việt Nam huỷ tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu CAV là ngày 17/7/2024.
Dây cáp điện Việt Nam chiếm khoảng 30% thị phần dây và cáp điện ở Việt Nam.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Hội đồng quản trị (HĐQT) Dây cáp điện Việt Nam đã trình cổ đông kế hoạch hủy tư cách công ty đại chúng, đồng thời hủy niêm yết cổ phiếu tại HoSE và và huỷ đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
HĐQT Dây cáp điện Việt Nam cho biết, việc hủy niêm yết nhằm mục đích tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển các dự án trọng điểm và tối ưu hóa hiệu quả.
Để giải quyết quyền lợi cho cổ đông sau khi phương án hủy niêm yết được thực hiện thành công, Dây cáp điện Việt Nam cho biết, công ty đã chủ động đề nghị và làm việc trước với cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Điện lực GELEX (mã cổ phiếu GEE). Điện lực GELEX hiện đang sở hữu 96,46% vốn điều lệ tại Dây cáp điện Việt Nam.
Theo đó, Điện lực GELEX cam kết mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu CAV mà các cổ đông còn đang nắm giữ nếu cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng. Việc mua lại cổ phiếu được thực hiện theo đàm phán và thống nhất giữa các bên. Điện GELEX hiện là công ty con của Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX) với tỷ lệ sở hữu là 80% vốn điều lệ.
Dây cáp điện Việt Nam đóng góp khoảng 60% doanh thu hàng năm của Điện lực GELEX. Dây cáp điện Việt Nam được thành lập vào năm 1975, chuyên sản xuất các loại dây và cáp điện. Sau khi được cổ phần hóa, công ty chính thức trở thành một công ty cổ phần từ cuối năm 2007.
Hiện tại, Dây cáp điện Việt Nam có 01 công ty con (100% cổ phần CADIVI Đồng Nai), hai chi nhánh (CADIVI Miền Bắc và CADIVI Tây Nguyên), sáu nhà máy sản xuất dây cáp (tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai và Đà Nẵng) và một nhà máy sản xuất hạt nhựa PVC.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CAV của Dây cáp điện Việt Nam trong vòng 12 tháng qua.
Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Dây cáp điện Việt Nam đang dẫn đầu thị trường, chiếm 30% thị phần dây và cáp điện ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023.
Về vấn đề huỷ niêm yết cổ phiếu CAV, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Dây cáp điện Việt Nam và Điện GELEX từng giải thích, dù hủy niêm yết, Dây cáp điện Việt Nam cũng sẽ chuyển sang sàn UPCoM và vẫn minh bạch thông tin.
“Lãnh đạo công ty luôn nỗ lực để gia tăng giá trị, mỗi năm trả cổ tức 30-35%”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm.
Thực tế, Dây cáp điện Việt Nam đang chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ ngày càng cao. Nếu từ 2012 - 2016, cổ tức của công ty chỉ là 30% vốn điều lệ thì đến năm 2017 là 35%, 2018 - 2021 là 50% và năm 2022, 2023 là 100%.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Dây cáp điện Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.463 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 13% so với cùng kỳ. Qua đó, hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 21,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận