Dấu vết tiền ngoại sau quý 3/2021 chưa cho thấy sự trở lại trong ngắn hạn
Dòng tiền ETF vào thị trường Việt Nam đã suy yếu trong quý 3/2021 trong khi tiền của các quỹ chủ động lại rút mạnh lớn thứ 3 trong khu vực.
Tính đến hết tháng 9, khối ngoại bán ròng 40.347 tỷ đồng trên 3 sàn trong đó họ bán ròng qua khớp lệnh 53.628 tỷ đồng và mua ròng thỏa thuận 13.281 tỷ đồng.
Trong 3 sàn, chỉ có UPCoM được mua ròng 1.065 tỷ đồng còn HOSE bị bán ròng 41.043 tỷ đồng, HNX bị bán ròng 370 tỷ đồng.
Số lượng tháng ghi nhận bán ròng lên tới 7/9 tháng và trong tháng cuối cùng của quý 3/2021 vẫn chưa phải thời điểm khối ngoại thể hiện sự quan tâm trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam khi họ bán ròng 8.368 tỷ đồng - tháng bán ròng lớn thứ 3 từ đầu năm.
Các cổ phiếu bị bán mạnh nhất từ đầu năm là HPG (-13.910 tỷ đồng), CTG (-6.879,3 tỷ đồng), VNM (-6.410,7 tỷ đồng), VPB (-5.909,7 tỷ đồng), VIC (-5.655).
Còn ở chiều mua, VHM đã có không còn là mã được mua mạnh nhất từ đầu năm do các động thái bán ra liên tục trong tháng 8 và tháng 9. STB (+3.216,6 tỷ đồng) là mã đã vượt mặt VHM. Trong khi đó, FUEVFVD (+2.673,7 tỷ đồng), NVL (+1.839,9 tỷ đồng), MWG (+1.532,8 tỷ đồng) là mã được mua vào nhiều tiếp theo.
Theo đánh giá của CTCK SSI, dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số).
Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,… do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.
2 nhân tố là dòng tiền ETF ngoại và quỹ chủ động đều rút mạnh trong thời gian gần đây. Dòng vốn ETF rút ròng gần 2.300 tỷ đồng trong tháng 9 – mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua.
Đáng chú ý là tất cả 5 quỹ ETF lớn nhất thị trường đều rơi vào trạng thái bị rút ròng, trong đó, lực rút mạnh diễn ra ở cả nhóm quỹ ngoại (FTSE ETF -1.275 tỷ, Fubon ETF -153 tỷ và VanEck ETF -22 tỷ), và nhóm quỹ nội (VNDiamond ETF -990 tỷ, VFMVN30 ETF -19 tỷ). Một số quỹ nhỏ hơn như VNFIN Lead, MiraeAsset VN30 và Asian CUBS ghi nhận dòng vốn tích cực nhưng giá trị không đáng kể, tổng cộng mua ròng khoảng 200 tỷ đồng.
Cả quý 3/2021, dòng vốn ETF vẫn duy trì mua ròng khoảng 300 tỷ đồng, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với 2 quý trước đó (quý 1 và quý 2 lần lượt là 2,7 và 8,2 nghìn tỷ đồng).
Các quỹ chủ động tiếp tục rút ròng trong tháng 9 (-700 tỷ đồng). Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã rút ra khoảng 6.300 tỷ đồng – lớn thứ 3 trong khu vực chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Trong tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chào đón thêm một quỹ ETF nội là IPAAM VN100 ETF (FUEIP100) chính thức niêm yết từ ngày 12/10. Theo SSI, quy mô của quỹ còn khá nhỏ với giá trị IPO 52 tỷ đồng nên mức tác động lên thị trường là không nhiều.
Còn với tình hình vĩ mô, dù hoạt động sản xuất được kỳ vọng sẽ hồi phục trong tháng 10 khi Chính phủ đã và đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế, SSI đánh giá dòng tiền đầu tư vẫn chưa thể quay trở lại trong ngắn hạn.
Nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong năm 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn ngoại quay trở lại trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận