Đầu tư vào nhóm ngành nào với xu hướng lạm phát hiện nay?
Lạm phát cao được cho là yếu tố tiêu cực với thị trường chứng khoán, gây áp lực lên giá cổ phiếu và tỷ suất sinh lời của nhà đầu tư, nhưng ngược lại, lạm phát xuống thấp cũng tạo nên những lo ngại về tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.
Theo Tổng cục thống kê, tính chung 10 tháng đầu năm 2021, lạm phát chỉ tăng 0,84% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung tăng 1,81%. Hiện lạm phát đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Theo các chuyên gia, do giãn cách xã hội trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm cho mức lạm phát xuống thấp, tạo ra dư địa tốt cho các chính sách kích thích phát triển kinh tế sau dịch.
Lạm phát luôn được nhà đầu tư quan tâm bởi lạm phát cao được cho là yếu tố tiêu cực với thị trường chứng khoán, gây áp lực lên giá cổ phiếu và tỷ suất sinh lời của nhà đầu tư. Ngược lại, lạm phát xuống thấp cũng tạo nên những lo ngại về tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) cho biết Việt Nam đang duy trì cân đối vĩ mô tương đối ổn định. Áp lực lạm phát của Việt Nam hài hòa, tỷ giá ổn định và cán cân thanh khoán vẫn có thặng dư nhẹ. Tất cả các yếu tố trên tạo nền tảng để phục hồi kinh tế.
Số liệu từ Tổng Cục Thống Kê cho thấy, trong tháng 9 và 10, nhóm mặt hàng tăng giá đều chiếm ưu thế hơn so với giảm giá nhưng lạm phát vẫn giảm. Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS), lạm phát ở Việt Nam ảnh hưởng rất lớn bởi giá lương thực thực phẩm, chiếm đến 40% tổng giá trị để tính ra lạm phát.
Trong tháng 9 và 10 khi dịch bệnh bùng phát ở các thành phố lớn, luân chuyển hàng hóa bị đình trệ khiến giá thậm chí không tăng mà còn giảm, nhất là những mặt hàng liên quan đến thực phẩm như thịt lợn. Bên cạnh đó, quá trình khống chế dịch dẫn đến sức cầu giảm. Khi lực cầu bị nén hạn chế mức tăng giá theo tháng.
Điểm thứ hai là lạm phát của Việt Nam trong chu kỳ 10 năm gần đây đa phần đến từ nguyên nhân tiền tệ. Theo ông Sơn, nguyên nhân này trong thời gian vừa qua chưa xuất hiện trong bối cảnh dịch bùng phát và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang điều hành một cách tương đối thận trọng. Chính vì vậy, kết hợp cả hai yếu tố này có thể thấy mức lạm phát đang duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ các tháng trước và năm trước. Ông Sơn nhấn mạnh lạm phát hiện đang ở trong tầm kiểm soát tốt.
Còn theo ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Khối phân tích Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), CPI trong 2 tháng vừa qua có mức giảm. Hai tháng gần đây, mặc dù có nhiều mặt hàng tăng giá nhưng có hai nhóm chính chiếm tỷ trọng lớn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm 36% trong rổ CPI) và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng (chiếm 15%) đều có xu hướng giảm, kéo giảm CPI chung trong 2 tháng vừa qua.
Theo các chuyên gia, lạm phát trong 2 tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng, nhưng mức tăng trong tầm kiểm soát và mục tiêu đặt ra đầu năm của Chính Phủ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo trên thị trường xuất hiện tình trạng đầu tư nóng vào những nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi khi lạm phát tăng trở lại, tuy nhiên chỉ mang tính chất ngắn hạn. Còn về dài hạn, nhà đầu tư nên chọn lọc kỹ các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
Về các nhóm ngành được hưởng lợi, ông Sơn cho rằng lạm phát hiện tại đang tác động theo hai hướng. Thứ nhất là đối với các doanh nghiệp đang được hưởng lợi bởi xu hướng tăng giá của các hàng hóa nguyên liệu trên toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá hàng hóa nguyên liệu như thép, than, ga đều đang ở mức đỉnh cao mới. Các doanh nghiệp ngành thép cũng gần như vươn lên những đỉnh cao mới về mặt lợi nhuận.
Nhóm thứ hai liên quan đến các hàng hóa đầu vào như hóa chất cũng có kết quả kinh doanh tốt. Nhóm thứ ba liên quan đến phân bón. Ngoài ra, nhóm cao su trong thời gian vừa qua cũng đã tăng tốt. Ngược lại, việc giá nguyên liệu đầu vào cao tác động tiêu cực tới các lĩnh vực như nhựa làm cho các doanh nghiệp này tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Sơn nhận định những nhóm liên quan đến tài chính ngân hàng vẫn có sự tăng trưởng tốt dù xu hướng là phân hóa. Những ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt và duy trì mức tăng trưởng từ 25 – 30% trở lên vẫn đáng chú ý. Nhóm được hưởng lợi từ đầu tư công như thép, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, những doanh nghiệp liên quan đến hàng hóa có thể tiếp tục được hưởng lợi khi giá hàng hóa vẫn đang neo ở vùng cao.
Theo quan điểm của chuyên gia đến từ BVSC, kể từ tháng 3, nhiều nhà đầu tư bắt đầu kể những câu chuyện lựa chọn cổ phiếu liên quan đến chỉ số lạm phát của những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU hay Anh. Có thể thấy, chỉ số giá tiêu dùng cũng Mỹ tăng tới 4,4% trong tháng 9 và điều này tác động khá mạnh đến những diễn biến của những nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
So với cuối tháng 3, nhóm tài nguyên cơ bản đã tăng đến 58%, nhóm hóa chất phân bón tăng 56% hay nhóm dầu khí tăng 30%. Câu chuyện của những nhóm ngành này đều đi theo sự tăng của giá hàng hóa.
Ông Dũng khuyến nghị, khi lạm phát có xu hướng tăng trở lại nhà đầu tư có thể tái cân đối và cơ cấu lại danh mục của mình. Tuy nhiên, việc cơ cấu không chỉ câu chuyện liên quan đến lạm phát, thay vào đó, câu chuyện mà nhà đầu tư cần chú ý đến là về gói kích thích kinh tế xã hội hoặc những nhóm ngành liên quan đến hạ tầng, nguyên vận liệu hay bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi.
Chuyên gia đến từ BVSC cho biết một nhóm ngành hưởng lợi không thể thiếu khi gói kích thích được đưa ra đó là ngân hàng. Bên cạnh đó, khi mặt bằng lãi suất được thiết lập ở mức cao hơn, nhóm bảo hiểm với danh mục đầu tư trái phiếu lớn, sẽ được hưởng lợi và tăng giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận