Đầu tư Sao Thái Dương (SJF): Nhiều dấu hỏi về sức khỏe tài chính
Không chỉ cho thấy tình hình kinh doanh xấu đi khi ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp thua lỗ với doanh thu thấp kỷ lục, lợi nhuận lũy kế cả năm 2019 chỉ hoàn thành 9% kế hoạch, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) còn khiến nhà đầu tư phải đặt ra nhiều câu hỏi quanh bức tranh tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp.
Băn khoăn khoản mục phải thu
Nếu chỉ nhìn nhận biến động này, đây rõ ràng là tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp thu hồi tốt dòng tiền đã bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, giảm rủi ro phát sinh nợ khó đòi.
Tuy vậy, trong khi phải thu ngắn hạn giảm, thì khoản mục phải thu dài hạn khác của SJF lại tăng mạnh hơn 100 tỷ đồng, từ 80 tỷ đồng đầu năm lên 181,5 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Ðáng chú ý, hầu hết biến động tại khoản phải thu mới chỉ xảy ra trong quý IV/2019.
Cụ thể, tính đến 30/9/2019, SJF có khoản phải thu ngắn hạn lên đến 633 tỷ đồng, chiếm 41,5% tổng tài sản, chủ yếu là khoản phải thu của khách hàng với 483 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản phải thu dài hạn là 80 tỷ đồng.
Theo thuyết minh từ báo cáo tài chính bán niên, khoản phải thu dài hạn này là số tiền Công ty góp vốn cùng các nhà đầu tư cá nhân (không được thuyết minh chi tiết) nhằm thu gom 150 ha đất rừng tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình làm dự án trồng tre, gỗ theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký kết năm 2018.
Báo cáo tài chính quý IV/2019 do SJF tự lập không thuyết minh chi tiết các khoản mục phải thu, nhưng từ biến động mạnh trong kỳ giữa 2 khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn, nhiều nhà đầu tư băn khoăn, giá trị phải thu tại SJF giảm mạnh là do doanh nghiệp đã thu được dòng tiền, hay chỉ là việc điều chỉnh giữa các khoản mục kế toán?
Quý IV/2019, Công ty ghi nhận doanh thu thấp kỷ lục, chỉ đạt 57 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo giải trình của Công ty, hoạt động thương mại giảm sút khiến doanh thu từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giảm.
Ðồng thời, quý cuối năm 2019, doanh nghiệp không còn ghi nhận 8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động xây lắp như cùng kỳ năm 2018.
Giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu, nên lợi nhuận gộp giảm 77%, đạt vẻn vẹn 3 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ghi nhận tăng 46%, đạt 1,4 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính tăng 14%, lên mức 7,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24%, còn 1,5 tỷ đồng, thu nhập khác tăng 4,4 lần, đạt 1,7 tỷ đồng, song chi phí khác tăng 2,5 lần, lên 1,9 tỷ đồng.
Kết quả, SJF báo lỗ 5,3 tỷ đồng trong quý IV/2019, ghi nhận quý thứ hai liên tiếp thua lỗ.
Tính cả năm 2019, doanh thu của SJF đạt 666 tỷ đồng, tăng 22%, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 88% so với năm 2018.
Với kết quả này, Công ty chỉ thực hiện được 95% kế hoạch doanh thu (700 tỷ đồng) và 9% kế hoạch lợi nhuận (60 tỷ đồng).
SJF có 4 công ty con là Công ty cổ phần BWG Mai Châu (tỷ lệ sở hữu 95,6% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Việt Nga Hòa Bình (95%), Công ty cổ phần Technologies (99,5%) và Công ty cổ phần Sunstar EcoTech Việt Nam (98%); 2 công ty liên kết là Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Tona (49%) và Công ty TNHH BWG Ðiện Biên (38%).
Số liệu dòng tiền bất nhất
Trong những năm qua, phải thu luôn là một trong những khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của SJF.
Ngoài phải thu của khách hàng, Công ty còn mạnh tay cấp tín dụng cho đối tác thông qua trả trước cho người bán và nhất là cho vay ngắn hạn dành cho các cá nhân.
Giá trị cho vay đến cuối năm 2019 là 36 tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm.
Trước đó, sự tăng mạnh giá trị các khoản phải thu khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của SJF liên tục âm.
Năm 2017, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 103,3 tỷ đồng, dù Công ty lãi trước thuế 55,2 tỷ đồng. Năm 2018, dòng tiền này âm 45,5 tỷ đồng, trong khi lãi trước thuế 49,7 tỷ đồng.
Ðiều này cũng đặt ra câu hỏi về việc sử dụng dòng tiền của SJF trong bối cảnh Công ty thiếu hụt vốn lưu động, phải tài trợ bằng vốn vay, nhất là khi chủ nợ của SJF thường xuyên xuất hiện những cá nhân là lãnh đạo các công ty có liên quan như Việt Nga Hòa Bình, Ðầu tư xây dựng Tona…
Trong báo cáo tài chính quý IV/2019, SJF cho biết, dòng tiền hoạt động kinh doanh dương trở lại trong năm 2019 với 35,9 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đầu tư và giúp trả bớt nợ vay.
Ðây là tín hiệu tích cực, nhưng lưu ý, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của SJF được lập theo phương pháp trực tiếp.
Theo đó, số liệu dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm 2018 dùng làm số liệu so sánh là 883,5 triệu đồng, nhưng trong báo cáo tài chính 2018 kiểm toán bởi Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Ðất Việt tại Hà Nội, dòng tiền hoạt động kinh doanh của SJF lập theo phương pháp gián tiếp âm 45,5 tỷ đồng.
Ðiều này khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính chính xác của con số trong báo cáo tự lập, bởi về nguyên tắc, dù lập theo phương pháp trực tiếp hay gián tiếp thì số liệu dòng tiền đều phải cho cùng kết quả.
Phải thu lớn, trong khi khoản chiếm dụng vốn của nhà cung cấp thông qua người mua trả tiền trước và phải trả người bán thấp hơn đáng kể, kết quả là một phần vốn lưu động lớn của SJF phải được tài trợ bằng nợ vay ngắn hạn, với số dư đạt 140 tỷ đồng tính đến 31/12/2019.
Ngoài ra, Công ty còn có khoản nợ vay dài hạn 76,4 tỷ đồng. Tổng cộng, dư nợ vay chiếm khoảng 17,6% nguồn vốn.
Dù xét về tỷ trọng, đây chưa phải là con số quá lớn, nhưng tạo áp lực chi phí tài chính cho SJF là không nhỏ.
Năm 2018, chi phí lãi vay phải trả là 22,4 tỷ đồng, tương đương 38,4% lợi nhuận gộp. Năm 2019, trong khi lợi nhuận gộp giảm mạnh thì chi phí lãi vay tăng lên 25,64 tỷ đồng, tương đương 77% lợi nhuận gộp.
Trước năm 2019, doanh thu tài chính thường xuyên là khoản chiếm tỷ trọng lớn đóng góp vào lợi nhuận của Công ty.
Năm 2018, doanh thu tài chính đạt 22,8 tỷ đồng, năm 2017 đạt 47,8 tỷ đồng. Tuy vậy, khác với nhiều doanh nghiệp có nguồn lực dự trữ lớn, doanh thu tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi, thì tại SJF, hầu hết đóng góp vào khoản mục này đến từ hoạt động chuyển nhượng vốn (năm 2018 là 20,5 tỷ đồng, năm 2017 là 43,1 tỷ đồng).
Với việc hầu hết các khoản đầu tư của Công ty đều không phải là đầu tư vào các công ty niêm yết/đăng ký giao dịch, thông tin hoạt động cũng như thông tin chuyển nhượng vốn đều khá hạn chế để nhà đầu tư bên ngoài có thể tiếp cận, tỷ trọng lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn cao trong cơ cấu lợi nhuận hợp nhất cũng khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về chất lượng lợi nhuận tại SJF có thật như báo cáo không?
Thị giá cổ phiếu rơi không phanh
SJF được thành lập năm 2012, vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng, cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp có nguồn gốc thiên nhiên.
Năm 2014, Công ty tăng vốn lên 250 tỷ đồng để đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững.
Năm 2015, Công ty tăng vốn lên 660 tỷ đồng để đầu tư nhà máy tre ép công nghiệp tại Mai Châu (Hoà Bình) và Ðiện Biên.
Ðầu tháng 7/2017, Công ty niêm yết cổ phiếu trên HOSE và trong năm 2018 nâng vốn điều lệ lên 792 tỷ đồng.
Cùng với quá trình tăng vốn, kết quả kinh doanh của SJF tăng theo, lợi nhuận từ mức 250 triệu đồng năm 2014 tăng lên 28,5 tỷ đồng năm 2015, 66,4 tỷ đồng năm 2016, nhưng lợi nhuận năm 2017 giảm còn 43,1 tỷ đồng, năm 2018 là 46,9 tỷ đồng, đến năm 2019 chỉ đạt 5,4 tỷ đồng.
Gần 1 năm đầu tiên lên sàn, thị giá cổ phiếu SJF đi ngang trong khoảng 11.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8/2018, giá có diễn biến tăng cao, đạt 28.000 đồng/cổ phiếu.
Giai đoạn này, Công ty công bố lãi quý II/2018 cao kỷ lục, với hơn 25 tỷ đồng. Sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, SJF rơi vào trạng thái lao dốc.
Trước khi SJF lao dốc, một số lãnh đạo doanh nghiệp đã bán ra lượng lớn cổ phiếu. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 5/7 đến 3/8/2018, ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán 1,98 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc bán 1,65 triệu cổ phiếu từ ngày 30/7 đến 15/8/2018. Gần đây, hai ông này đăng ký mua vào tổng cộng 6 triệu cổ phiếu, từ ngày 14/1 đến 12/2/2019, thời điểm SJF có giá khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu.
Giữa năm 2019, sau những tín hiệu tích cực từ Ðại hội đồng cổ đông thường niên, với việc xây dựng kế hoạch doanh thu 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 60 tỷ đồng, cùng với đó là kế hoạch đầu tư sâu vào lĩnh vực kinh doanh các loại mỹ phẩm, dược phẩm, cổ phiếu SJF tăng trần 6 phiên liên tiếp, từ mức 2.680 đồng/cổ phiếu lên trên 4.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng đột biến.
Thời điểm này, ông Nguyễn Tất Ðạt, cựu Tổng giám đốc Công ty bán ra 1,45 triệu cổ phiếu, thu về khoảng 5,8 tỷ đồng. Cổ phiếu SJF sau đó giảm sàn và tiếp tục chuỗi ngày đi xuống.
Ðể tìm hiểu về nguyên nhân cổ phiếu rơi sâu, người viết đã liên lạc với Công ty Chứng khoán VNDIRECT - đơn vị tư vấn niêm yết cho SJF lên sàn năm 2017.
Tuy nhiên, VNDIRECT cho biết, không có đủ thông tin để có thể làm rõ những vấn đề xung quanh diễn biến giá cổ phiếu cùng kết quả kinh doanh lao dốc của SJF.
Về phía lãnh đạo SJF, trả lời phỏng vấn của Báo Ðầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Nguyễn Trí Thiện từng cho rằng, chủ yếu do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu SJF giảm sâu do một số cổ đông lớn (không điều hành và không nằm trong Hội đồng quản trị) cầm cố cổ phiếu bên ngoài bị bán giải chấp khi giá xuống.
Ông Thiện cho rằng, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty.
Cổ phiếu SJF đi theo “kịch bản” tăng vốn mạnh trước khi lên sàn, cổ phiếu tạo sóng với sự hỗ trợ của thông tin lãi đột biến, sau đó lịm dần.
Câu chuyện của SJF khiến không ít người nghi vấn, giá rơi không hẳn do doanh nghiệp kinh doanh suy giảm. Phải chăng cổ phiếu này bị làm giá, sau đó bị đứt gãy trong mối liên kết nhóm kín giữ giá khiến tình trạng rơi không phanh xảy ra?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận