Đầu tư giá trị trong thời đại ngày nay: Tại sao cần điều chỉnh cách tiếp cận
Động lực thôi thúc tôi thực hiện bài luận này vì hôm qua có một người bạn đưa ra quan điểm nhận định rằng FPT đang ở "điểm uốn chiến lược", tương tự như Kodak hoặc Nokia trong quá khứ. Dựa trên quan điểm đầu tư giá trị, anh ấy nhận định FPT là công ty rất đáng đầu tư, nhưng phải chờ thị trường khủng hoảng thì mới mua FPT để có giá tốt và an toàn.
Quan điểm đầu tư giá trị truyền thống, tập trung vào việc chờ đợi các doanh nghiệp chất lượng cao giảm giá mạnh trong các đợt khủng hoảng lớn của thị trường chung, đã từng là một chiến lược hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện đại với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự định giá của các doanh nghiệp đầu ngành, cách tiếp cận này không còn phù hợp trong nhiều trường hợp, đặc biệt là với các cổ phiếu dẫn đầu như FPT.
Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích tại sao chiến lược chờ đợi suy thoái thị trường để mua cổ phiếu FPT là không hợp lý, đồng thời đề xuất một cách tiếp cận đầu tư giá trị hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay của thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc.
Trước khi bắt đầu thảo luận về đầu tư giá trị trong thời đại hiện nay, tôi muốn nhấn mạnh rằng có một điểm khác biệt quan trọng giữa FPT so với Kodak hoặc Nokia: FPT không phải đang ở hoàn cảnh bắt buộc phải thay đổi toàn diện do đang đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau như Kodak hoặc Nokia trong quá khứ, mà đang dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới.
Nào, giờ hãy bắt đầu bàn về chiến lược đầu tư giá trị
1. Đầu tư giá trị không chỉ là chờ đợi giá rẻ
Quan điểm "tìm kiếm giá rẻ trong các đợt suy thoái thị trường" bắt nguồn từ triết lý đầu tư giá trị ban đầu của Benjamin Graham.
Chiến lược này nhấn mạnh việc tìm mua các doanh nghiệp tốt với giá thấp hơn giá trị nội tại, thường trong các đợt bán tháo của thị trường, được Warrant Buffet làm trở nên nổi tiếng với triết lý mua những điều xì gà hút dở trong những năm đầu sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, cách tiếp cận này không còn phù hợp khi áp dụng cho những doanh nghiệp đầu ngành như FPT.
Ví dụ, trong đợt suy thoái thị trường Việt Nam năm 2022, chỉ số VN-Index giảm hơn 40%, nhưng cổ phiếu FPT chỉ giảm khoảng 30%. Đây là minh chứng rõ ràng rằng các doanh nghiệp chất lượng cao thường không giảm giá sâu ngay cả trong những giai đoạn thị trường sụt giảm cực mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc chờ đợi "giá rẻ" để mua có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp dẫn đầu ở mức giá hợp lý.
Hơn nữa, chiến lược "chờ đợi giá rẻ" không tính đến yếu tố quan trọng nhất của đầu tư hiện đại: tăng trưởng dài hạn. Một doanh nghiệp như FPT, với lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong lĩnh vực bán dẫn và AI, đang trên đường khai phá những cơ hội mới, khiến giá trị nội tại của nó liên tục thay đổi theo hướng tích cực.
2. Sai lầm trong việc áp dụng "biên an toàn" (Margin of Safety)
Một trong những yếu tố cốt lõi của đầu tư giá trị là biên an toàn (Margin of Safety - MOS), tức là mua doanh nghiệp với giá thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại. Trong quan điểm được đưa ra, người bạn của tôi nhấn mạnh rằng cần chờ đợi suy thoái để đạt được MOS tốt hơn. Tuy nhiên, điều này chưa phù hợp trong bối cảnh của một doanh nghiệp dẫn đầu như FPT.
Đầu tiên, việc xác định MOS không chỉ dựa trên giá cổ phiếu mà còn phải dựa trên tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng đều đặn với tốc độ cao - như FPT đang chứng minh với việc mở rộng sang AI và bán dẫn, liên tục thắng các dự án quy mô kỷ lục vô tiền khoáng hậu kể từ sau khi FPT trở thành công ty phần mềm tỷ đô - thì giá trị nội tại của nó có thể tăng trưởng nhanh hơn mức thị trường điều chỉnh giá của các cổ phiếu trong các đợt suy thoái.
Thứ hai, việc chờ đợi suy thoái để đạt được MOS tốt có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ. Các doanh nghiệp đầu ngành như FPT thường thu hút dòng tiền đầu tư ngay cả trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh, khiến giá cổ phiếu ít có khả năng giảm sâu. Điều này đã được minh chứng trong nhiều đợt thị trường chung giản mạnh, bao gồm cả giai đoạn giảm khốc liệt năm 2022, khi FPT chỉ giảm ít hơn VN-Index, cho thấy sự phòng thủ tốt hơn của cổ phiếu này trước biến động thị trường. Đặc biệt là khi nhìn vào thực tế rằng những đợt sập khủng khiếp của thị trường chung phải rất rất rất lâu mới xảy ra một lần, có thể là cả chục năm. Không cần kể đến TTCK Mỹ, chỉ nhìn thực tế tại VN, nếu một nhà đầu tư ngồi chờ từ thời 2010 đến nay để mua FPT khi thị trường giảm sâu, thì cũng chưa lần nào chờ được FPT giảm sâu hơn thị trường chung, kể cả đợt giảm khá mạnh nhưng nhanh chóng năm 2018 và 2020, cũng như đợt giảm rất sâu và kéo dài năm 2022.
3. Đầu tư giá trị trong thời đại mới
Chiến lược đầu tư giá trị ban đầu tập trung vào việc mua cổ phiếu giá rẻ dựa trên các thước đo như tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (P/B) hoặc tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E). Trong thời kỳ của Benjamin Graham, thị trường tài chính còn kém hiệu quả, thông tin không dễ dàng tiếp cận, và nhiều cổ phiếu bị định giá sai một cách rõ ràng. Những "viên ngọc thô" như vậy tạo điều kiện để các nhà đầu tư giá trị áp dụng chiến lược "mua 1 đồng với giá 50 xu".
Tuy nhiên, thị trường ngày nay đã khác biệt hoàn toàn. Công nghệ phân tích hiện đại, dữ liệu minh bạch, và sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức đã làm cho cơ hội tìm thấy những cổ phiếu giá rẻ thực sự trở nên rất hiếm. Những công ty có giá trị thấp hơn giá trị thanh lý thường là những công ty yếu kém về cơ bản, và rủi ro mất vốn cao hơn nhiều so với thời trước.
Thêm vào đó, xu hướng toàn cầu hóa và sự xuất hiện của các loại tài sản phi truyền thống như startup, công nghệ, và tài sản kỹ thuật số đã tạo ra những hình thức đầu tư mới, nơi "giá trị" không chỉ được đo lường qua giá trị sổ sách hay thu nhập hiện tại mà còn ở tiềm năng dài hạn của tài sản.
Warren Buffett, người kế thừa triết lý của Benjamin Graham, đã mở rộng khái niệm đầu tư giá trị bằng cách tập trung vào chất lượng của doanh nghiệp. Theo Buffett, một công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững, dòng tiền tự do mạnh mẽ, và tiềm năng tăng trưởng dài hạn, sẽ đáng giá hơn nhiều so với một công ty chỉ đơn thuần "rẻ" nhưng không có tương lai.
Sự chuyển đổi này không chỉ là một sự cải tiến triết lý, mà còn là một nhu cầu thực tế trong môi trường mà những công ty có chất lượng cao thường duy trì lợi nhuận bền vững và ít rủi ro hơn. Điều này cũng đồng nghĩa rằng nhà đầu tư cần sẵn sàng trả giá hợp lý để sở hữu những công ty chất lượng cao, thay vì chỉ tập trung vào các công ty giá rẻ.
Trước đây, đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng được coi là hai trường phái đối lập. Nhưng trong thời đại hiện đại, ranh giới giữa chúng ngày càng mờ nhạt. Một công ty công nghệ như Apple hay Amazon, với khả năng tăng trưởng vượt trội và lợi thế cạnh tranh rõ ràng, hoàn toàn có thể được coi là một khoản đầu tư giá trị nếu xét theo tiêu chí dòng tiền tương lai mà nó tạo ra.
Những nhà đầu tư hiện đại ngày càng hiểu rằng giá trị thực sự của một công ty nằm ở khả năng tăng trưởng dài hạn và lợi nhuận bền vững, chứ không chỉ là giá trị tài sản hiện tại. Điều này dẫn đến sự pha trộn giữa đầu tư giá trị và tăng trưởng, nơi mà các yếu tố định tính như chất lượng quản lý, đổi mới công nghệ, và vị thế thị trường được cân nhắc nhiều hơn các chỉ số tài chính truyền thống.
Để phù hợp với thị trường hiện đại và những doanh nghiệp như FPT, chiến lược đầu tư giá trị cần được tái định nghĩa. Thay vì chỉ tập trung vào giá rẻ, nhà đầu tư nên hướng đến việc:
1) Hiểu rõ “giá trị nội tại động”: Đánh giá doanh nghiệp dựa trên tiềm năng tăng trưởng dài hạn và lợi thế cạnh tranh, thay vì chỉ dựa vào các chỉ số như P/E hay P/B.
2) Tích lũy đều đặn: Đối với các doanh nghiệp chất lượng cao, việc mua tích lũy ở mức giá hợp lý trong các giai đoạn điều chỉnh nhỏ của thị trường chung có thể hiệu quả hơn nhiều so với chờ đợi mòn mỏi các cú sập lớn, vốn chỉ xuất hiện vài lần trong đời.
3) Tập trung vào chất lượng hơn giá rẻ: Trong môi trường hiện đại, chất lượng doanh nghiệp là yếu tố quyết định, đặc biệt với các doanh nghiệp dẫn đầu ngành. Trong bối cảnh VN đang vương mình, thì các DN đi đầu chinh phục thế giới như FPT hoàn toàn có thể từ vị thế bluechip trở thành một Mega chip. Với một công ty có thể tăng quy mô doanh thu và vốn hoá rất nhiều trong tương lai thì chất lượng phải được coi trọng hơn là chờ đợi điều không chắc chắn là thị trường suy thoái mạnh mang lại giá rẻ cho cổ phiếu.
Kết luận
Quan điểm chờ đợi suy thoái để mua cổ phiếu dẫn đầu như FPT với giá rẻ không còn phù hợp trong thời đại ngày nay. Trong khi đầu tư giá trị vẫn là một triết lý đầu tư hữu ích, cách tiếp cận cần được điều chỉnh để phản ánh sự thay đổi của thị trường và tiềm năng dài hạn của các doanh nghiệp chất lượng cao.
Thay vì bị ám ảnh bởi việc mua ở mức giá rẻ nhất, nhà đầu tư nên tập trung vào việc mua ở giá hợp lý (ví dụ mua nhanh tay cổ phiếu ở mức giá tốt khi thị trường điều chỉnh, hoặc mua ở các vùng tích luỹ bên trong nền giá, các điểm mua pocket pivot trong nền giá, các điểm mua phá vỡ nền giá, các điểm mua bổ sung vị thế khi cổ phiếu đang trên đường chinh phục đỉnh mới…) rồi nắm giữ dài hạn các doanh nghiệp hàng đầu, như FPT, để tận dụng tăng trưởng bền vững và những cơ hội lớn mà tương lai mang lại.
Cuối cùng, nếu nhận ra thị trường chung và vĩ mô có vấn đề lớn, liệu tôi có bán cổ phiếu như FPT để mua lại sau với giá tốt hơn hay không? Dĩ nhiên là có. Nếu gặp lại những điều kiện vĩ mô tương tự giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, tôi vẫn sẽ bán hết, vì đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy sắp xảy ra khủng hoảng nợ và dẫn đến giai đoạn suy thoái kinh tế. Một khi thấy rõ khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế sắp xảy ra, thì tiền mặt là vua. Nhưng hiện nay, nền kinh tế đang ở đầu giai đoạn phục hồi, đất nước đang vươn mình, chẳng biết phải chờ bao nhiêu năm nữa mới xảy ra cuộc khủng hoảng nợ tiếp theo.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường