menu
Đấu thầu thuốc, vật tư y tế: gỡ vướng từ bên ngoài nhưng khó ở bên trong
Khánh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đấu thầu thuốc, vật tư y tế: gỡ vướng từ bên ngoài nhưng khó ở bên trong

Nhu cầu về thuốc phòng, chữa bệnh rất lớn, đặc biệt là các thuốc chuyên khoa đặc trị. Thực tế thời gian vừa qua đã có nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.

Trong năm vừa qua, nhiều văn bản đã được ban hành để ‘gỡ khó’ cho các bệnh viện trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện vẫn đang gặp khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao… Bởi hiện tại đa số nhân sự thực hiện công tác mua sắm, đấu thầu trong bệnh viện là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ. Đa số cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm và được tập huấn nên rất dễ dẫn đến sai sót.

Đơn giản hóa quy trình đấu thầu

Để tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện trong mua sắm, đấu thầu thuốc và vật tư y tế, vào tháng 3-2023, Nghị định 07/2023 cùng Nghị quyết số 30/NQ-CP (Nghị quyết 30) đã được Chính phủ ban hành. Những văn bản này được xem là chìa khóa để gỡ nút thắt tại các bệnh viện và nhiều vướng mắc của ngành y tế. Bởi thời điểm này, Nghị quyết 30 đã có nhiều điểm mới như cho phép kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh; cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư, cho phép các gói thầu báo giá dưới 3 nhà thầu.

Hơn 3 tháng sau đó, Bộ Y tế tiếp tục ra Thông tư 14/2023/TT-BYT (Thông tư 14) quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập. Dù Nghị định 07, Nghị quyết 30 và Thông tư 14 đã góp phần tháo gỡ một số vướng mắc trong đấu thầu nhưng chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023.

Vì vậy, đến tháng 3-2024, Nghị định 24/2024/NĐ-CP (Nghị định 24) đã được ban hành để giúp các đơn vị đấu thầu thuốc, vật tư y tế thuận lợi hơn. Trao đổi với KTSG Online về Nghị định 24, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho rằng, điểm mới trong Nghị định này là đã đơn giản hóa, rút gọn quy trình đấu thầu. Việc này giúp bệnh viện nhanh chóng hoàn thành công tác đấu thầu, có được trang thiết bị thích hợp nhằm kịp thời cứu sống bệnh nhân nặng.

Dù bệnh viện có kho dự trù thuốc hiếm nhưng trước đây, nếu bệnh nhân đông lên, thuốc men hay thiết bị dự trù hết, bệnh viện phải đấu thầu lại. Trước khi được chỉ định thầu, bệnh viện phải làm rất nhiều bước. Quy trình này mất 3-6 tháng dẫn đến chậm trễ, ảnh hưởng công tác điều trị. Đến khi có Nghị định 24, bệnh viện được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, giúp mua được ngay thuốc trong cấp cứu người bệnh.

Đấu thầu thuốc, vật tư y tế: gỡ vướng từ bên ngoài nhưng khó ở bên trong

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Quân y 7A (TPHCM).

Ngoài ra, trong xây dựng cơ cấu giá, “trước đây, có những chi phí không được tính đủ như số phần trăm khấu hao máy móc, chống nhiễm khuẩn. Theo quy định mới, bệnh viện được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu. Như vậy, bệnh viện có thể được tính đúng, tính đủ các chi phí mà trước đây không được tính”, bác sĩ Tiến nói.

Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng các danh mục kỹ thuật cần thiết để đấu thầu theo Luật Đấu thầu mới. Tuy nhiên, “không phải đấu thầu là có thuốc, vật tư y tế ngay mà phải đợi khoảng 1-2 tháng nhà thầu mới cung ứng được. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, bệnh viện sẽ đưa ra thêm những kiến nghị, đề xuất”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ.

Nói thêm về điểm mới của Nghị định 24, một lãnh đạo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết, Nghị định này cũng bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn một nhà thầu trúng thầu. Theo đó, nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo. Trước đây, chỉ có một nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng, dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, việc xây dựng dự toán, giá gói thầu cũng có nhiều thuận lợi. Cụ thể, chỉ cần căn cứ một bảng báo giá. Trường hợp nhiều hơn một thì được phép lấy bảng báo giá cao hơn để xây dựng dự toán. Điều này chưa từng quy định trước đây. Với những quy định của Nghị định 24, bệnh viện sẽ được thuận tiện hơn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế. Đặc biệt, người bệnh sẽ được tiếp cận với những vật tư, hóa chất tốt hơn, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Nhưng vẫn còn khó khăn từ nội tại bệnh viện

Dù hiện nay, có nhiều nghị định, thông tư được ban hành để ‘gỡ khó’ cho các bệnh viện trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, “các bệnh viện vẫn đang rất vất vả trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế… Bởi hiện tại gần như tất cả nhân sự thực hiện công tác mua sắm, đấu thầu trong bệnh viện là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ”, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM chia sẻ tại buổi khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc trên địa bàn thành phố vào đầu tháng 5 vừa qua.

Theo bác sĩ Tuyết, hầu hết nhân sự chỉ dựa vào kinh nghiệm và được tập huấn nên rất dễ dẫn đến sai sót. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng, nhất là thuốc, vật tư y tế mỗi nơi một giá, chưa có sự thống nhất trên cả nước như hiện nay. Do đó, việc để cho các bệnh viện tự đấu thầu dễ xảy ra tình trạng tiêu cực và vấn đề này cũng đã diễn ra trên thực tế. Hiện nay nhân sự ở các bệnh viện thực hiện công tác này ngày càng thiếu.

Đấu thầu thuốc, vật tư y tế: gỡ vướng từ bên ngoài nhưng khó ở bên trong

Người dân hỏi thông tin về việc khám bệnh có bảo hiểm y tế tại TPHCM.

Về bất cập đối với vấn đề giá thuốc trong bệnh viện, bác sĩ Tuyết cũng chỉ ra hiện các bệnh viện đã cố gắng xây dựng kho quản lý thuốc hiện đại, đạt chuẩn, an toàn, cố gắng đưa thuốc tới tận giường người bệnh. Tuy nhiên, giá thanh toán và giá đầu vào của các loại thuốc điều trị nội trú như nhau. Đó là chưa tính đến chi phí lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, hao hụt. Đặc biệt, có những loại thuốc phải bảo quản lạnh như vaccine, thuốc nội tiết, những thuốc có hạn sử dụng ngắn, rất dễ hư hỏng nếu không được bảo quản tốt.

Trước những bất cập trong công tác mua sắm, đấu thầu, đại diện của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho rằng, ngành y tế nên mở rộng thêm danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương. Việc này có thể giúp giảm tình trạng các bệnh viện tự đấu thầu một cách manh mún như hiện nay.

Thời gian qua, các bệnh viện phải tự đấu thầu rất mất thời gian. Trong khi đó, nhân sự không đủ và không chuyên nghiệp bởi không phải người nào cũng có chuyên môn trong công tác đấu thầu. Bệnh viện mong chú trọng thực hiện công việc chuyên môn là điều trị, mà không phải đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế như hiện nay, vị này đề xuất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả