Đấu thầu là 'mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi'
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu 5 chiêu trục lợi trong đấu thầu, đề nghị quản lý chặt chẽ, tránh trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi.
Sáng 8/11, thảo luận tại Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, thi hành án, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) đúc rút 5 chiêu trò lách luật phổ biến sau khi theo dõi các vụ vi phạm về đấu thầu thời gian qua.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng quy định này dễ dàng bị lợi dụng trong thực tế. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại một bệnh viện đa khoa, tổng giá trị hàng hóa mua sắm là 95 tỷ đồng, song giám đốc bệnh viện đã ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu đồng.
Lợi dụng các quy định về chia tách, gộp gói thầu, có trường hợp chia nhỏ gói thầu như kiểu chia phần, để mỗi nhà thầu thân cận chiếm một phần; hoặc gom nhiều gói thầu nhỏ lại để tạo thành gói thầu rất phức tạp mà chỉ có một doanh nghiệp cụ thể có thể đáp ứng được.
Nhiều vụ án, các đối tượng đã "bắt tay, đi đêm" để chuyển cho nhau thông tin những thiết bị cần bán; thông đồng về tiêu chí kỹ thuật, thậm chí cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu. Không chỉ cài cắm tiêu chí kỹ thuật, có những gói thầu còn đưa ra tiêu chí "phải có bằng khen của Bộ Tài chính về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế". "Như vậy, gần như họ đã chọn sẵn doanh nghiệp trúng thầu", bà Thủy nói.
Theo nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn, hệ lụy của tình trạng này là khiến dư luận nghi ngại, doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể cạnh tranh sòng phẳng, mất đi cơ hội đầu tư kinh doanh. Nghiêm trọng hơn, tiền của Nhà nước sẽ bị thiệt hại, để lại công trình, dự án kém chất lượng.
Bà Thủy dẫn chứng, vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá mỗi sten nhập khẩu từ Ấn Độ là 8-11 triệu đồng, trong khi đó giá thẩm định, trúng thầu vọt lên 38-42 triêu đồng, tăng 300-400%. Đến nay, cả tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của đơn vị thẩm định giá đã bị khởi tố. Ngoài ra, trong nhiều vụ án khác, các cá nhân liên quan đến quy trình thẩm định giá cũng bị tuyên phạt tù với vai trò đồng phạm.
"Nếu hoạt động đấu thầu không được quản lý và quy định chặt chẽ, sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói, kiến nghị cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu; nhất là vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, khi sửa Luật Đấu thầu, Chính phủ cần công khai điều kiện dự thầu, danh sách năng lực của nhà thầu, điều kiện trúng thầu, quá trình chấm thầu, kết quả thách thầu và kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.
Cùng quan tâm đến những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan chức năng tập trung đấu tranh với tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực kinh tế; tội phạm tham nhũng trong cơ quan công quyền, doanh nghiệp Nhà nước; phát hiện xử lý hành vi móc nối để trục lợi trong quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu, đấu giá; miễn, giảm thuế.
Ông Hòa cũng đề nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ lĩnh vực: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thu hồi tài sản thất thoát và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng và thực thi công vụ.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, một số quy định trong phòng chống tham nhũng còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng tại lĩnh vực như đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ đánh giá, nhận diện đầy đủ hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...
"Cần khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, cơ quan điều tra đã phát hiện hơn 5.100 vụ phạm tội về quản lý kinh tế. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng hơn gần 41%. Báo cáo cho hay, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu "diễn ra rất phức tạp", nổi lên là lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, trong đó có thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu, để chỉ định thầu; dùng quân xanh, quân đỏ để thao túng giá trúng thầu; mua bán lòng vòng để nâng giá nhiều lần. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận