Đầu ra cho cà phê sẽ khó khăn hơn
Kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông sản trong tháng 10/2021, chỉ có thủy sản và chè sụt giảm, 9 mặt hàng còn lại đều tăng trưởng tốt trong đó có cà phê. Song, do chi phí logictics tăng quá cao nên lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp cà phê không được như mong muốn.
Ngày 18/11, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 300 – 400 đồng, dao dộng trong khung 41.500 – 42.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.989 USD/tấn, (FOB) tại cảng TP.HCM, với mức trừ lùi khoảng 200 – 220 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Doanh nghiệp bị nhà nhập khẩu ép mức trừ lùi cao kỷ lục
Theo số liệu thông kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 10/2021 đạt 99.249 tấn, trị giá 217,267 USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 2,9% về giá trị so với tháng trước đó. Cộng dồn 10 tháng xuất khẩu cà phê đạt 1.285.557 tấn, trị giá 2,453 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng, tăng 5,4% về kim ngạch nhờ giá xuất khẩu tăng.
Đầu tháng 11/2021, giá cà phê thế giới tăng, song tốc độ tăng đã chậm lại do thị trường thiếu lực đầu cơ. Tại thị trường trong nước, giá cà phê Robusta đầu tháng 11 giảm so với cuối tháng 10/2021 và đang giao dịch quanh mốc 42.000 đồng/kg, trong thời gian này khu vực Tây Nguyên đang vào thu hoạch vụ cà phê 2021-2022 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng thiếu lao động.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn có hơn 200.000 ha cà phê với sản lượng gần 500.000 tấn và cần gần 15 triệu ngày công lao động, còn theo dự kiến của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, niên vụ 2021-2022, tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng trên 120.000 ha và cần trên 13 triệu ngày công lao động phục vụ thu hái.
Trong khi đó, việc thông quan hàng hóa không thuận lợi dẫn đến doanh nghiệp giao hàng cầm chừng, dẫn đến việc thu mua chậm lại dẫn đến giá cà phê Robusta trong nước đầu tháng 11 giảm xuống.
Thị trường nội địa đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng giá cà phê Robusta ở London tăng lên mức cao 10 năm chỉ nhằm bù lỗ phần phần nào cho các nhà xuất khẩu và các chi phí liên quan, còn người trồng cà phê chẳng được lợi lộc gì khi hàng vụ cũ không còn, hàng vụ mới đang thu hoạch, trong khi giá cả vật tư đầu vào, nhất là giá phân bón các loại hiện đã tăng cao quá mức.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex group cho biết, nhu cầu cà phê trên thị trường trong và ngoài nước vẫn tăng, nhưng lượng xuất khẩu đang giảm do cước tàu tăng cao, vì vậy tại Việt Nam lượng tồn kho của khách nước ngoài thì nhiều nhưng tồn kho tại các nước sản xuất và tiêu dùng lại giảm, giá London tiếp tục tăng nhưng giá trừ lùi trên thị trường lại giảm do chí phí vận tải lớn quá nên người mua ép doanh nghiệp Việt Nam.
“Trên thị trường Lonlon giá trừ lùi giảm xuống vì chi phí logictics lớn quá nên nhà nhập khẩu ép doanh nghiệp Việt Nam chịu mức trừ cao kỷ lục. Trước đây mức trừ lùi chỉ khoảng 50-100 USD/tấn, thậm chí cộng thêm nhưng bây giờ doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu mức trừ lùi rất lớn, thậm chí trừ đến 350 USD/tấn cho giao hàng kỳ hạn tháng 1/2022 và 300 USD/tấn cho giao hàng kỳ hạn tháng 3/2022.
Mức trừ này lâu lắm rồi mới có lại và bằng với mức trừ lùi đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, giá cà phê hiện vẫn tốt và dao động quanh mức 42.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà người nông dân chấp nhận được.
Trong 10 tháng đầu năm nay xuất khẩu cà phê tuy giảm về lượng nhưng tăng về giá trị nên người nông dân lẫn doanh nghiệp đều có thặng dư cho dù phí logistics tăng mạnh. Như vậy, có thể nói năm 2021 là năm tốt cho ngành cà phê Việt Nam”, Phó chủ tịch Vicofa nhận định.
Đầu ra cà phê niên vụ 2021-2022 sẽ gặp khó
Theo Phó chủ tịch Vicofa, Việt Nam đang thu hoạch vụ cà phê 2021-2022 và có nhiều dự báo sản lượng cà phê toàn cầu đang giảm nhưng có thể đầu ra vụ cà phê này sẽ có nhiều khó khăn, do cước vận tải tăng cao nên có nhiều khả năng hợp đồng ký trong năm 2022 có giá thấp so với các năm trước.
“Hai năm nay khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 20%, nếu cước tàu không tăng và cước container không tăng trong khi Việt Nam tăng xuất khẩu đương nhiên cũng sẽ thiếu hụt container. Vì vậy, dù cước vận chuyển tăng cao và có khả năng sẽ vẫn tiếp tục tăng do cung không đủ cầu và khó khăn về logictics không chỉ ở cảng đi mà ngay cả cáng đến cũng gặp khó vì đây là vấn đề toàn cầu.
Ngoài ra, giá xăng, dầu tăng cũng góp phần đẩy cước vận tải tăng, con người thực thi logistic cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng khiến giá thành tất cả hàng hóa đều tăng nên những nhà nhập khẩu sẽ tăng giá bán, đẩy giá tiêu dùng trên thị trường toàn cầu tiếp tục tăng.
Dự báo, đầu ra vụ cà phê này sẽ khó khăn hơn và giá bán sẽ không bằng vụ trước, và thặng dư ngành cà phê sẽ không thuộc về nông dân và doanh nghiệp mà thuộc về khâu trung gian phân phối, vì chi phí về logistic đang tăng một cách không bình thường.
“Khó khăn thuộc về hệ thống vận chuyển và khâu lưu thông phân phối, nên phần lớn lợi nhuận đều rơi nhiều vào phân đoạn này, tuy vậy, người nông dân và doanh nghiệp vẫn có thặng dư dù không như mong muốn. Rõ ràng tình trạng thiếu nghiêm trọng container và sự bất ổn của hệ thống logictics đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập người nông dân cũng nhu doanh nghiệp”, ông Nam phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận