Dầu khí, xây dựng, bảo hiểm tăng bùng nổ, cổ ngân hàng, chứng khoán rơi thảm
Đà giảm ở các cổ phiếu blue-chips vẫn tiếp diễn, đánh tụt VN30-Index xuống dưới tham chiếu sáng nay. Tuy vậy thị trường vẫn rất tích cực khi nhiều nhóm cổ phiếu tăng tốt, đồng thời các trụ đẩy VN-Index tăng...
Đà giảm ở các cổ phiếu blue-chips vẫn tiếp diễn, đánh tụt VN30-Index xuống dưới tham chiếu sáng nay. Tuy vậy thị trường vẫn rất tích cực khi nhiều nhóm cổ phiếu tăng tốt, đồng thời các trụ đẩy VN-Index tăng.
Rổ VN30 kết phiên sáng với 14 mã tăng/15 mã giảm, duy trì được thế cân bằng nhưng yếu tố trụ ở chỉ số đang bất lợi. Cổ phiếu ngân hàng giảm đang gây áp lực lớn nhất. VN30-Index kết phiên sáng giảm 0,16% so với tham chiếu.
Ngược lại, chỉ số VN-Index phục hồi thành công vượt tham chiếu, đang tăng 0,39% tương đương 5,44 điểm. Độ rộng của chỉ số này cũng tích cực nhờ 237 mã tăng/196 mã giảm.
Hiện tượng phân hóa vẫn đang tạo sức hút lớn trên thị trường. Dòng tiền sáng nay đổ vào các mã dầu khí và bảo hiểm khá rõ nét. BVH tăng kịch trần 6,97%, là phiên tăng hết biên độ thứ hai kể từ đầu năm 2021. Thanh khoản mới phiên sáng đã đạt 3,39 triệu cổ, tương đương giá trị 215,6 tỷ đồng, lọt Top 15 cổ phiếu thanh khoản nhất 2 sàn niêm yết. BVH tăng đột biến dù 2 tuần trước đó vẫn trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, giảm khoảng 2,7% kể từ đỉnh đầu tháng 10.
Các mã bảo hiểm còn lại trên cả 3 sàn nhìn chung đều rất mạnh, trừ ABI giảm 0,28%. Cổ phiếu tăng yếu nhất nhóm là BIC thì cũng đang tăng 2,3% so với tham chiếu. Các cổ phiếu tăng trên 5% ngoài BVH, còn có PVI tăng 8,47%, VNR tăng 7,69%, PRE tăng 7,14%, BMI tăng 6,85%.
Điều hạn chế là ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bảo hiểm lên các chỉ số rất ít. Tuy thuộc rổ VN30 và kịch trần nhưng BVH chỉ đóng góp chưa tới 1 điểm cho VN-Index và khoảng 0,4 điểm cho VN30-Index.
Nhóm dầu khí sáng nay cũng mạnh với hầu hết các mã đều tăng. Trong rổ VN30, GAS tăng 1,52%, PLX tăng 2,65%, lọt Top 10 cổ phiếu kéo VN-Index tốt nhất. GAS cũng có đóng góp nhiều hơn cả BVH cho VN30-Index. Các mã dầu khí nhỏ hơn tăng tích cực: POV tăng 13,74%, PSH tăng 6,87%, PVB tăng 2,92%, PCG tăng 2,59%, PVC tăng 2,52%, PVD tăng 2,38%, PVS tăng 2,1%...
Tuy nhiên tăng dữ dội nhất là nhóm cổ phiếu xây dựng, dù các mã này gần như mất hút trong vai trò đối với thị trường. Khoảng 15 cổ phiếu nhóm này trên 3 sàn đang kịch trần, hàng chục mã khác tăng trên 3%. Tuy nhiên tính chất đầu cơ ở các mã vốn hóa nhỏ nổi bật, ảnh hưởng tới chỉ số không đáng kể. Bất ngờ là cổ phiếu thép lại đồng loạt giảm, thậm chí giảm sâu như HPG, HSG, NKG, TLH...
Với độ rộng tốt nhưng sàn HoSE không có nhiều blue-chips mạnh. GVR tăng 4,05% và VHM tăng 1,54% là hai trụ kéo VN-Index tốt nhất. Tuy vậy chỉ số này vẫn bị hạn chế lớn ở nhóm giảm, với nhiều mã ngân hàng. TCB đang bốc hơi 1,91% giá trị, HPG giảm 1,06%, ACB giảm 1,27%, VNM giảm 0,55%, SHB giảm 1,27%, VIB giảm 1,48%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thoái trào trong phần lớn các mã blue-chips. SSI giảm 1,4%, HCM giảm 0,93%, VCI giảm 2,26%, VND giảm 1,72%, MBS giảm 1,81%, SHS giảm 2,13%, CTS giảm 1,47%, BSI giảm 1,41%, FTS giảm 2,92%... Một số mã nhóm này đi ngược dòng là APS, PHS, AAS, HAC, ORS, DSC, AGR, ART tăng được trên 1%.
Hiện tượng phân hóa trên thị trường đang ngày càng gay gắt khi cổ phiếu nào tăng thì tăng rất mạnh, ngược lại, nhóm giảm hầu hết giảm sâu. Dòng tiền cũng có động thái di chuyển gấp gáp khi nhóm thanh khoản nhất thị trường sáng nay đều giảm giá. Top 10 thanh khoản hai sàn đều là các mã trên HoSE và chiếm tới 31% tổng giá trị khớp lệnh sàn này, chiếm 27% cả hai sàn. Chỉ có 3 mã tăng là GEX, VHM và NVL. Trong 7 cổ phiếu thanh khoản cao nhất giảm giá thì trừ PDR mất 0,3%, còn lại đều bốc hơi trên 1% giá trị.
Việc bán tháo đẩy thanh khoản lên rất cao ở nhiều cổ phiếu cũng khiến thanh khoản chung hai sàn tăng vọt 34,3% so với sáng phiên trước, đạt gần 16.613 tỷ đồng. Riêng HoSE tăng thanh khoản 36%, đạt 14.506 tỷ đồng.
Điểm tích cực là dù bị bán tháo ở nhiều mã, nhưng dòng tiền vẫn hoạt động tích cực ở các nhóm cổ phiếu đang tăng giá tốt. Nếu hiện tượng luân chuyển vốn diễn ra trong bối cảnh thanh khoản cao thì tình thế phân hóa sẽ còn gay gắt hơn nữa.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 205 tỷ đồng, nhưng bất ngờ là VN30 chỉ bị bán ròng chưa tới 8 tỷ đồng. HPG bị xả lớn nhất hơn 55 tỷ, nhưng rổ VN30 được cân lại từ MBB gần 21 tỷ, VHM trên 18 tỷ, CTG khoảng 10 tỷ... Ảnh hưởng bán ròng lớn nhất là các mã không phải blue-chips: NLG bị xả xấp xỉ 53 tỷ ròng, HSG hơn 28 tỷ, C32, PAN, PC1 đều bị bán trên 20 tỷ...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận