Đất đấu giá "sục sôi", nhà đầu tư tham gia có yếu tố "xanh - chín"?
Đất đấu giá ở nhiều địa phương đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, khiến giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và thị trường.
"Sôi sục" đất đấu giá
Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn cả thế giới, ảnh hưởng tiêu cực tới các giao dịch trong xã hội. Bất động sản, trong đó có đất nền là kênh đầu tư được nhiều người ưu tiên. Do đó, thời gian gần đây, hoạt động đấu giá đất tại nhiều địa phương trở nên sôi sục hơn.
Các phiên đấu giá đất thời gian qua liên tục lập đỉnh, thiết lập các mặt bằng giá khác nhau trong khu vực. Thậm chí, giá trúng còn cao gấp 3 - 5 lần so với giá khởi điểm.
Đơn cử, tháng 10 vừa qua, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), có giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2 nhưng có tới 800 - 900 hồ sơ nộp tham dự. Giá trúng đấu giá 25 lô đất cao hơn giá khởi điểm từ 2 - 2,5 lần. Cá biệt, lô B12 diện tích 44,5 m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất của phiên đấu giá.
Trước đó, 57 lô đất tại khu Góc Quéo 2, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai được tổ chức đấu giá với giá khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, dù chỉ có 57 lô đất được mang ra đấu giá nhưng phiên đấu giá có tới hơn 2.000 hồ sơ và 400 người tham dự.
Kết quả sau phiên đấu giá trên chủ yếu là mức giá trên 20 triệu đồng/m2. Đơn cử như lô TT02-4 giá 20 triệu đồng/m2; lô TT01-4 giá trúng 20,7 triệu đồng/m2. Trong đó, giá trúng thấp nhất là 18,8 triệu đồng/m2, gấp 3,5 lần so với giá khởi điểm. Đặc biệt, một lô góc giá trúng còn lên tới 40,2 triệu đồng/m2, cao gấp gần 8 lần so với mức giá khởi điểm.
Theo ghi nhận PV Dân Việt, 1 tháng trở lại đây, nhiều địa phương đã lên phương án tổ chức đấu giá đất, có nơi mức giá khởi điểm cao từ vài chục triệu đến 110 triệu đồng/m2 như ở Mỹ Lộc (Nam Định). Một số vùng nông thôn, giá khởi điểm từ 2,5 đến 10 triệu đồng/m2, dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư.
Cẩn trọng "giá ảo"
Thực tế cho thấy, do tình trạng "sốt đất" đầu năm đã bị ngăn chặn và ảnh hưởng của dịch CoVid-19 kéo dài khiến thị trường bất động sản một số địa phương không được như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư "ôm đất" đấu giá bị hụt hơi, đành phải bỏ cọc, hủy giao dịch dẫn tới việc chính quyền phải hủy kết quả đấu giá cũng xảy tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Nội…
Anh Nguyễn Đức Hùng – nhà đầu tư ở Hà Nội có nhiều năm kinh nghiệm tham gia các phiên đấu giá đất chia sẻ, tại một số buổi đấu giá, giá thường bị đẩy lên cao trong các trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng. Khi đó, đất được mua chỉ để được bán lại.
"Không ít nhà đầu cơ liều lĩnh nhất sẵn sàng trả giá cao để mua. Hệ quả, đất đấu giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm nhưng sau đó lại bị bỏ hoang. Nhiều trường hợp trúng đấu giá khác lại "bỏ cọc"", anh Hùng nói.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay Hà Nội và một số địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung đất nền, tạo ra rào cản rất lớn trong việc phê duyệt để lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại các vùng. Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường.
Cũng theo ông Đính, với ưu điểm của đất đấu giá là thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá thị trường, pháp lý ổn định do là đất công nên thị trường này đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư.
Ví dụ ở Hà Nội hay TP.HCM, giá khởi điểm của đất đấu giá theo quy định cao nhất chỉ khoảng hơn trăm triệu đồng trong khi thị trường đã rao bán cả tỷ đồng, như vậy, dù giá khởi điểm của đất đấu giá có cao hơn một chút so với giá quy định nhưng vẫn nằm ở mức rất thấp so với giá thị trường.
"Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi có yếu tố "xanh – chín", "5 ăn – 5 thua". Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Còn nếu nhà đầu tư "ôm" phải giá cao thì phải buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc", ông Đính cho biết.
Về rủi ro trong đấu giá đất, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cảnh báo, khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất đấu giá cần thẩm định, so sánh giá với các địa điểm tương đồng. Điều này sẽ tránh bị cuốn theo dòng thổi giá và phải "bỏ của chạy lấy người".
"Nhiều nhà đầu tư "ôm" là khi giá đất đang "sốt" nên cho rằng thị trường còn lên nữa mà không biết rằng thị trường đang ảo, đang bị "bong bóng". Minh chứng là tình huống nhà đầu tư phải bỏ cọc đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang ở thời điểm sốt đất đầu năm", ông Đính dẫn chứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận