24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đánh thuế nhà và tài sản: Áp thuế quá nhiều sẽ "bào mòn" sức dân

Câu chuyện đánh thuế nhà và tài sản đã được đem ra "mổ xẻ" từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Chủ trương đúng đắn

Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các chính sách thu liên quan đến bất động sản bao gồm bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).

Vấn đề này không mới, tuy nhiên động thái của Bộ Tài chính đã ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.

Ông Xuân Chanh (65 tuổi, Vĩnh Phúc) hiện đang sở hữu một số bất động sản cá nhân tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đã khẳng định rằng đây là "Một trong những việc cần làm ngay và luôn và đáng lẽ đã phải làm từ lâu rồi. Cần đánh thuế cao và luỹ tiến người sở hữu nhiều nhà; các chủ đầu tư găm giữ đất, không triển khai; kiểm soát những người mua đi bán lại liên tục".

Trong khi đó anh Tuyển Bùi (40 tuổi, Hà Nội), chuyên viên môi giới bất động sản tại một công ty địa ốc có nhiều kinh nghiệm tại Thủ đô, lại cho rằng việc thu thuế nhà và tài sản hiện nay là không cần thiết.

"Sao cứ đem so sánh với các nước quá giàu? Phải nhìn vào thu nhập GDP trên đầu người của Việt Nam xem có bằng họ không đã. Khi bán tài sản đất đai và nhà ở, Nhà nước đã thu thuế chuyển nhượng bất động sản rồi, trong quá trình ở người dân đã nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bây giờ tại sao còn hỏi ý kiến người dân thu thuế nhà và tài sản?", anh Tuyển bày tỏ.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng nếu xét theo góc nhìn của luật pháp, thì việc áp dụng điều luật đánh thuế nhà và tài sản là hoàn toàn đúng đắn.

Cụ thể, vị chuyên gia nhận định việc đánh thuế nhà và tài sản sẽ góp phần làm công khai, minh bạch kinh tế xã hội. Đây đồng thời cũng là biện pháp để công khai tài sản của toàn bộ người dân, đặc biệt là những cán bộ công chức để hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, tham ô của cải cho riêng mình.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra góc nhìn khách quan và cho rằng về nguyên tắc, thu thuế tài sản là phù hợp thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ông Thịnh nhấn mạnh việc thu thuế phải tính toán sao cho hợp lý, vừa sức dân và phù hợp những nguyên tắc vĩ mô.

"Bởi vì để thực hiện được công bằng, minh bạch phải có nhiều công cụ tài chính đi kèm. Ở Việt Nam, giá trị bán tài sản khó đánh giá vì nhà mới, nhà cũ, khu vực này khu vực kia.... Đặc biệt người mua không nhất thiết phải giao dịch qua ngân hàng nên có thể kê khai gian dối giá bán", ông Thịnh nói.

Nhiều lần đề xuất

Đánh thuế nhà và tài sản: Áp thuế quá nhiều sẽ "bào mòn" sức dân
​​TS.Võ Trí Thành cho rằng nên quan tâm tại sao đề xuất đóng thuế nhà và tài sản đem ra bàn bạc nhiều nhưng vẫn bị bác bỏ.​

TS.Võ Trí Thành, Nguyên Viện phó CIEM, Viện trưởng Viện chiến lược thương hiệu và cạnh tranh lại cho rằng thay vì quan tâm quá nhiều đến nội dung và hiệu quả của đề xuất thu thuế này thì cần để ý đến một điểm rằng tại sao đã được đưa ra đề xuất và bàn bạc rất nhiều lần mà vẫn không thể áp dụng việc đánh thuế vào thực tiễn.

Theo ông, đây là một vấn đề đã quá cũ, mặc dù lần nào đưa ra đề xuất cũng được bàn bạc rất kỹ, lên dự thảo đầy đủ nhưng đến cuối cùng vẫn bị bỏ ngỏ. Đây mới là điều mà dư luận nên quan tâm.

Năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại TP HCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện cơ chế thí điểm đánh thuế tài sản mà chỉ áp dụng trên địa bàn Tp.HCM có nghĩa là làm tăng nghĩa vụ nộp thuế (tăng nghĩa vụ tài chính) đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản. Từ đó làm giảm thu nhập thực tế, sẽ gây tác động bất lợi trong các tầng lớp dân cư.

Thậm chí có thể dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh, thành phố khác, và sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản thành phố. Do đó, chính sách này đến nay không được thực hiện.

Năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ với mục tiêu điều tiết nhóm có thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công.

Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng hai phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của dư luận nên chưa đưa vào chương trình xây dựng Luật.

"Nếu khả thi như vậy tại sao chưa làm, điều luật này đã được đem ra tranh cãi cũng như bàn luận từ nhiều năm nay đến cuối cùng đều bị bác bỏ. Tôi nghĩ cũng sẽ rất lâu nữa mới có thể áp dụng được điều luật này vì còn nhiều bất cập", vị chuyên gia nhận định.

Thận trọng khi áp dụng vào thực tiễn

Đồng tình với ý kiến trên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã áp dụng thành công điều luật này và đem lại nhiều mặt lợi cho đất nước. Nhưng đồng thời vị chuyên gia cũng nhấn mạnh với bối cảnh hiện nay của Việt Nam thì cần phải xem xét thật cẩn trọng thì mới có thể đưa ra điều luật này.

Ông cho rằng các chính sách thuế trên khi áp dụng với nước ngoài thì có thể hoàn toàn thành công nhưng không nên đem quy chuẩn đó về áp dụng thẳng vào Việt Nam sẽ dễ gây ra sự khập khiễng.

"Phải nhấn mạnh rằng có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thu thuế này từ rất lâu và đem lại hiệu quả tốt. Nhưng không nên đem sự thành công tại nước ngoài để áp đặt trực tiếp lên Việt Nam khi bối cảnh xã hội của chúng ta còn quá chênh lệch so với họ, phải cẩn trọng xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng", ông chia sẻ.

Đánh thuế nhà và tài sản: Áp thuế quá nhiều sẽ "bào mòn" sức dân
​PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần rất cẩn trọng khi đánh thuế nhà và tài sản.​

Theo đó, vị chuyên gia cho cho rằng để có thể áp dụng đánh thuế lên nhà và tài sản cần phải quan tâm đến rất nhiều khía cạnh. Đặc biệt là ở một nước đang phát triển như Việt Nam, việc áp dụng thêm bất kỳ một loại thuế nào cũng nên bám sát thực tiễn, nhìn thẳng vào đời sống và khả năng chi trả của người dân, nên áp dụng các quy định về thuế tài sản này để điều tiết thị trường tuy nhiên việc áp dụng phải có lộ trình cụ thể.

Thuế là một trong những chính sách quan trọng của kinh tế vĩ mô và chính sách công nên cần hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh xã hội. Vừa qua, sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho nền kinh tế nói chung và đời sống của người dân nói riêng, nếu áp quá nhiều chính sách thuế sẽ "bào mòn" sức dân.

Về tác động lên bất động sản, nhìn thẳng vào thực trạng thị trường bất động sản thời gian qua có rất nhiều biến động do giá cả thị trường bị đẩy lên cao đến mức phi lý, PGS.TS cho rằng nếu áp dụng loại hình thuế này có thể sẽ giúp bình ổn thị trường và giúp nhà nước dễ dàng hơn trong việc quản lý. Nhưng đồng thời ông cũng nhận định Luật thuế mới có thể sẽ tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng, làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản.

Ông Thịnh chia sẻ quan điểm rằng có rất nhiều cách để có thể điều tiết thị trường bất động sản đi đúng hướng, ví dụ như việc thay đổi phương pháp định giá khởi điểm tránh việc chênh lệch giá trước và sau đấu giá chứ không bắt buộc phải là đánh thuế trực tiếp sẽ gây ảnh hưởng đến cả những người dân không tham gia vào thị trường này. Đồng thời cơ quan nhà nước nên bám sát thị trường ngay từ đầu để quy định một mức giá phù hợp khi đưa ra đấu giá, tránh để xảy ra sơ suất như trường hợp đất Thủ Thiêm vừa qua.

Nhắc lại về dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ năm 2018, vị chuyên gia nêu quan điểm rằng việc đưa ra đề xuất sẽ đánh thuế với tài sản là nhà ở từ 700 triệu đồng trở lên là một quyết định hết sức chủ quan. Ông cho biết khi chưa có căn cứ và lý giải rõ ràng lý do tại sao lại áp dụng mức giá như vậy thì không nên đưa ra dự thảo.

PGS.TS khẳng định: "Đánh thuế nhà và tài sản là quyết định hoàn toàn chủ quan của người đề ra luật. Tại sao lại là con số 700 triệu đồng mà không phải 1 tỷ, 1,5 tỷ hay 2 tỷ? Lấy đâu ra con số đó và làm cách nào để xác định chính xác giá trị của một tài sản là 700 triệu đồng, chưa kể không có lý do cụ thể tại sao lại chọn 700 triệu đồng làm mốc để thu thuế. Như vậy là quá thiếu tính khách quan".

Cuối cùng, ông Thịnh nhấn mạnh các cơ quan nhà nước cần phải có một cơ sở pháp lý đầy đủ và hợp lý để triển khai chứ không nên tiến hành làm mà không có một sự giải thích rõ ràng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả