Đang đà tăng giá, gạo Trung An có thêm cổ đông mua hơn 1 triệu cổ phiếu
Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) vừa có thêm cổ đông lớn, sở hữu 5,62% vốn là bà Lê Thị Kiều.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa cập nhật thông tin về việc bà Lê Thị Kiều hoàn tất giao dịch mua hơn 1.058.000 cổ phiếu TAR của Công ty Trung An.
Trước đó, bà Kiều nắm 1.540.630 cổ phiếu TAR (tương đương 3,33% vốn) và sau giao dịch ngày 21/5/2021, cổ đông này đã nâng tổng số cổ phần TAR đang nắm giữ lên 2.598.630 cp (tương đương 5,62% vốn).
Đà tăng giá của cổ phiếu TAR kéo dài từ tháng 8 đến nay.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 5/8, cổ phiếu TAR ở mức 14.900 đồng/cổ phiếu và liên tục tăng lên 40.600 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 10/11.
Hồi đầu năm nay, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An nắm 22,57% vốn công ty, nhưng đến nay, con số này đã về 0 (giao dịch diễn ra vào tháng 6/2021). Ông Phạm Thái Bình là chồng bà Lê Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT Trung An - người đang sở hữu hơn 25% vốn công ty.
Trung An được thành lập từ năm 1996, có trụ sở chính tại quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ với vốn điều lệ 461,9 tỷ đồng (tính đến 23/8/2021) và chuyên sản xuất, chế biến lương thực (gạo, thuỷ sản…).
Kết quả kinh doanh luỹ kế 9 tháng đầu năm nay của Trung An so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: tỷ đồng).
Về kết quả kinh doanh, quý III/2021, Trung An ghi nhận doanh thu thuần 725,6 tỷ đồng, tăng trưởng gần 35% (tương đương tăng 186 tỷ đồng) và lãi ròng 37,4 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong quý III vừa qua, nhờ sự đóng góp từ hiệu quả của dự án cánh đồng lớn (800 ha) tại Kiên Giang do thay đổi quy trình sản xuất, canh tác từ khâu làm đất, gieo sạ, phun tưới cho đến khi thu hoạch nên năng suất thu hoạch tăng mạnh.
Từ đó, chi phí nguyên liệu đầu vào giảm, lợi nhuận tăng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý vừa qua chỉ bằng 21% và xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần công ty này đạt 1.954 tỷ đồng, giảm gần 7% (tương đương giảm 144 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 57,4 tỷ đồng, giảm 32% (tương đương giảm 27,4 tỷ đồng).
Nếu chia theo khu vực địa lý, trong 1.954 tỷ đồng doanh thu thuần, Trung An ghi nhận 1.547 tỷ đồng từ thị trường nội địa (giảm 410 tỷ đồng so với 9 tháng năm 2020). Trong khi đó, doanh thu từ các thị trường xuất khẩu mang về cho công ty gần 409 tỷ đồng, tăng hơn 265 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Trung An ở mức 2.070 tỷ đồng, tăng gần 51% so với đầu năm (tương đương tăng 697 tỷ đồng); với 1.475 tỷ đồng tài sản ngắn hạn (tăng hơn 717 tỷ đồng) do khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh.
Nợ phải trả đến cuối kỳ là hơn 1.425 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ có 787,3 tỷ đồng.
Trong đó, 97% là nợ ngắn hạn (với 1.389 tỷ đồng, tăng gần 86% so với đầu năm) với khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.187 tỷ đồng (cao hơn đầu năm 488 tỷ đồng).
Trong kỳ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Trung An âm hơn 476 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 106 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 4 tỷ đồng, một phần nhờ thu 8,2 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định cùng các tài sản dài hạn khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp này đã trả nợ gốc vay là 1,566 tỷ đồng và vay thêm 2,057 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận