Đạm Hà Bắc tiếp tục có lãi nhờ tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ
Kết thúc quý 1, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) tiếp tục báo lãi dù cùng kỳ lỗ gần 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Công ty thực chất vẫn lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kinh doanh của DHB trong quý 1/2024
Nguồn: VietstockFinance
Trong quý 1/2024, DHB ghi nhận hơn 1 ngàn tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 15%. Sau khi khấu trừ giá vốn, lãi gộp đạt 25 tỷ đồng, giảm gần 70%.
Các chi phí trong kỳ đều giảm mạnh. Chi phí tài chính giảm 44%, còn 85 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm lần lượt 25% và 23%, ghi nhận 20 tỷ đồng và 29 tỷ đồng. Nhờ vậy, Doanh nghiệp chỉ lỗ thuần 104 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 130 tỷ đồng).
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận khác đột biến tới 142 tỷ đồng (cùng kỳ khoảng 200 triệu đồng) giúp DHB lãi sau thuế 38 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 129 tỷ đồng). Theo thuyết minh, số tiền này là khoản nợ lãi tính trên lãi chậm chưa trả từ 01/01-21/12/2023 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Trong giải trình, DHB cho biết hệ thống sản xuất của Công ty đã ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường, hoàn thành vượt kế hoạch. Ngoài ra, thị trường phân bón diễn biến tích cực trong quý 1, do ảnh hưởng từ chiến tranh Biển Đỏ làm giá Urê tăng nhẹ, dù giá NH3 đi xuống vì cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, DHB cũng cho biết yếu tố chính giúp Doanh nghiệp đi ngược dòng trong kỳ là nhờ chi phí lãi vay giảm đáng kể, do đề án tái cơ cấu các khoản nợ đầu tư của Doanh nghiệp tại VDB được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, việc được xóa nợ lãi tính trên lãi trả chậm, hạch toán gần 142 tỷ đồng vào quý 1 cũng kéo kết quả đi lên.
Khoản vay của DHB tại VDB được ký hợp đồng từ tháng 9/2008 với hạn mức hơn 4.1 ngàn tỷ đồng, nhằm đầu tư vào “Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc”. Đây là 1 trong 12 dự án bị Chính phủ đánh giá là chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.
Khoản vay trên được hạch toán lãi vay vào bảng cân đối của DHB từ năm 2015, cũng là thời điểm Doanh nghiệp chứng kiến chuỗi thua lỗ kéo dài. Ngoại trừ năm 2021 lãi nhỏ giọt và lần lãi đậm năm 2022 nhờ cơn sốt hàng hóa toàn cầu, các năm còn lại DHB đều lỗ nặng do gồng gánh chi phí tài chính mỗi năm tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ được chấp thuận tái cơ cấu khoản vay, DHB đã có kết quả tốt hơn. Quý 4/2023, Doanh nghiệp thậm chí lãi đậm hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, giúp kết quả cả năm từ lỗ hàng trăm tỷ đồng thành lãi ròng hơn 861 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản cuối quý 1 của DHB giảm nhẹ so với đầu năm, đạt hơn 6.5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn đi ngang, chiếm hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp nắm giữ hơn 193 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, giảm 43%. Tồn kho tăng 28%, lên 774 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn đi ngang, ghi nhận 1.1 ngàn tỷ đồng, tương ứng tỷ suất thanh toán hiện hành là 1 lần, nhưng hệ số thanh toán nhanh chỉ 0.3 lần, cho thấy Doanh nghiệp vẫn có rủi ro để thanh toán toàn bộ nợ ngắn hạn. Nợ vay ngắn hạn gần như giữ nguyên ở mức gần 374 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay tại Vietinbank và một phần vay dài hạn tới hạn trả tại VDB.
Doanh nghiệp vẫn còn hơn 2.5 ngàn tỷ đồng nợ vay dài hạn, gồm hơn 1.3 ngàn tỷ đồng nợ vay từ Vietinbank và gần 1.2 ngàn tỷ đồng đồng nợ vay từ VDB.
DHB cũng đã dương vốn chủ kể từ khi được tái cơ cấu khoản nợ từ VDB. Cuối quý 1, vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp gần 650 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận