Đại gia Vinahud và mối quan hệ 3 bên lòng vòng luân chuyển khối nợ nghìn tỷ?
Dự án bất động sản đắp chiếu, dòng tiền eo hẹp trong khi gánh nặng nợ lớn đã khiến Vinahud và đối tác rơi vào tình cảnh khó khăn, luân chuyển lòng vòng khối nợ nghìn tỷ.
Bán doanh nghiệp sau một năm mua về
CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (Upcom: VHD) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường, dự kiến diễn ra vào 5/9 tới, trong đó, có một số nội dung đáng chú ý. Nổi bật là kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn điều lệ Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, với giá không thấp hơn 980 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinahud cũng sẽ trình ĐHCĐ bất thường thông qua việc dùng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng để thanh toán trước hạn một phần khoản vay của công ty này tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (TPB).
Đối tác dự kiến mà Vinahud bán 100% vốn Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng là CTCP VNC Construction.
Cách đây hơn một năm, Vinahud đã mua Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng từ Tập đoàn R&H (R&H Group).
Cụ thể, trong tháng 4/2023, sau nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2023, Vinahud đã nhận chuyển nhượng từ R&H Group 83% phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends với mức giá 987,5 tỷ đồng và 100% Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng với giá 950 tỷ đồng.
Tổng giá trị hai thương vụ là 1.937,5 tỷ đồng. Trong đó, 80% nguồn vốn, tương đương 1.550 tỷ đồng, được thu xếp bởi TPBank. Đây là một con số rất lớn bởi tính tới đầu năm 2023, Vinahud có tổng tài sản chưa tới 589 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ hơn 411 tỷ đồng.
Sau thương vụ, tài sản của Vinahud tăng mạnh, lên mức gần 4.670 tỷ đồng (tính tới giữa năm 2023). Tất nhiên, tổng nợ phải trả cũng tăng vọt, từ mức hơn 177 tỷ đồng vào đầu năm 2023 lên mức gần 4.315 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2023; trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là gần 1.749 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 187 tỷ đồng.
Đầu năm 2023, Vinahud chỉ có vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, với hơn 77 tỷ đồng.
Tới cuối quý II/2024, Vinahud có tổng các khoản vay ngắn và dài hạn là hơn 2.629 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn TPBank gần 1.986 tỷ đồng.
Nhiều khả năng, Vinahud đã dùng chính các tài sản mua bán nói trên và các tài sản thuộc hai công ty này để bảo đảm cho nghĩa vụ tín dụng vay ngân hàng.
Như vậy, từ một doanh nghiệp mà tiền thân là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng phát triển nhà Vinaconex (được thành lập năm 2000) với quy mô khá nhỏ, Vinahud đã ghi nhận tài sản bật tăng sau hai thương vụ trên.
Tuy nhiên, hai thương vụ này cũng gây xôn xao. Bởi, Vinahud thực hiện hai thương vụ M&A chỉ ngay trước khi 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng theo mệnh giá của R&H Group đáo hạn (từ ngày 14/4-4/5/2023).
Mối quan hệ tay ba Vinahud, R&H Group và VNC Construction
Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: liệu có phải Vinahud thực hiện hai thương vụ M&A để giúp R&H Group có tiền thanh toán trái phiếu?
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 diễn ra hôm 25/6, cổ đông đã chất vấn về mối quan hệ giữa Vinahud và R&H Group.
Khác với Vinahud - một doanh nghiệp nhỏ nhưng khá nổi tiếng ở Hà Nội với nhiều dự án trọng điểm như Khu đô thị mới Trung Hoà Nhân Chính, dự án Khu đô thị Bắc An Khánh,... R&H Group có quy mô lớn hơn nhưng là một cái tên ít được biết tới.
Trên thực tế, trước thời điểm Vinahud thực hiện hai thương vụ M&A nói trên, R&H Group có quy mô và tài sản cũng như các khoản nợ lớn hơn Vinahud rất nhiều.
Theo báo cáo của CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group), tính đến giữa năm 2023, công ty này có tổng tài sản hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả là gần 8.947 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay từ phát hành trái phiếu riêng lẻ là 5.000 tỷ đồng.
Nhìn vào báo cáo của R&H Group có thể thấy, doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính yếu kém. Trong 6 tháng đầu năm 2023, R&H Group lỗ hơn 296 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 690 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới gần 7,8 lần. Hệ số tổng dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 4,36 lần.
Với tình hình sức khỏe tài chính như vậy, thương hiệu cũng không nổi tiếng, việc vay vốn từ ngân hàng là rất khó.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về mối quan hệ với R&H Group, đại diện Vinahud cho biết đây là một trong những đối tác cùng phát triển các dự án với Vinahud trong nhiều năm. Tuy nhiên, hoạt động và cơ cấu sở hữu của hai công ty là hoàn toàn độc lập, các cổ đông lớn khác nhau.
R&H Group là một doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị lớn, giai đoạn cuối 2021 và đầu năm 2022, với CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đóng vai trò là bên thu xếp.
R&H Group và Vinahud là hai pháp nhân độc lập nhưng có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều có tổng giám đốc là ông Nguyễn Minh Tuấn.
Còn với VNC Construction - đối tượng dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ Mê Linh Thịnh Vượng từ Vinahud - đây cũng là một doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với Vinahud từ trước.
Hồi đầu năm 2023, Vinahud từng có nghị quyết HĐQT thông qua phát hành các cam kết, bảo lãnh và sử dụng các tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ tín dụng của VNC Construction tại TPBank.
Theo Mekong Asean, Vinahud trực tiếp và gián tiếp (qua Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends) nắm giữ gần 100% cổ phần CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải - chủ đầu tư dự án Grand Mercure Quảng Nam.
Trong khi đó, Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng nắm 40% CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land - chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong quy mô 40ha tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Dự án này vốn chậm trễ trong nhiều năm qua.
Tình hình tài chính của Vinahud cũng khá xấu. 6 tháng đầu năm, VHD lỗ hơn 105 tỷ đồng và lỗ 5 quý liên tiếp. Doanh thu có dấu hiệu giảm trong khi lãi vay ở mức cao. Tới cuối quý II/2024, Vinahud chỉ còn hơn 4,9 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, trong khi tổng nợ phải trả là hơn 4.912 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, VHD cho hay doanh nghiệp vẫn tập trung toàn lực vào việc hoàn thành và đưa vào vận hành dự án Grand Mercure Hội An, qua đó giúp công ty cải thiện kết quả kinh doanh giai đoạn 2024-2026.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường