Đại diện Vinahud tiết lộ lý do quyết định bán Mê Linh Thịnh Vượng
Đại diện Vinahud chia sẻ muốn bán đi dự án Mê Linh Thịnh Vượng với một mức giá hợp lý để giảm dư nợ vay do các chỉ số tài chính của công ty đang không được tốt.
Sáng ngày 5/9, CTCP Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Vinahud (Vinahud, UpCOM: VHD) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 tại Hà Nội.
Qua đó, Vinahud đã nhận được sự chấp thuận của cổ đông về việc chuyển nhượng phần vốn góp của công ty tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng và thanh toán trước hạn khoản vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Theo tài liệu công bố, bên mua 100% vốn Mê Linh Thịnh Vượng là VNC Construction - pháp nhân có nhiều mối liên hệ với Vinahud khi cựu CEO VNC Construction - ông Trương Thanh Minh hiện chính là cổ đông Vinahud.
Phản hồi thắc mắc của cổ đông về việc liệu giao dịch chuyển nhượng này có phải giao dịch "nội bộ" hay không, đại diện Vinahud cho biết đến thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, VNC Construction và Vinahud không có sự liên quan gì về nhân sự ban điều hành và cổ đông lớn.
Vì vậy hoạt động của VNC Construction hoàn toàn độc lập với Vinahud và giao dịch chuyển nhượng "theo quy định" không phải giao dịch nội bộ.
Về mức giá chuyển nhượng đưa ra là không thấp hơn 980 tỷ đồng, ông Ngô Đức Tâm - Thành viên HĐQT Vinahud chia sẻ đây là mức giá cao hơn giá trị mà công ty đã góp vốn vào Mê Linh Thịnh Vượng hồi năm 2023 là 950 tỷ đồng.
Đồng thời, việc đưa ra mức giá chuyển nhượng trên còn có một nguyên do nữa là phù hợp với số tiền mà công ty cần sử dụng để cơ cấu nợ vay.
Vinahud tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024.
Từng kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu lớn từ việc đầu tư vào Mê Linh Thịnh Vượng, nhưng khi thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu tích cực thì Vinahud lại quyết định bán dự án.
Đại diện doanh nghiệp nêu hiện nay trên thị trường bất động sản dù đã "nóng lên" nhưng trên thực tế thời gian qua nhiều dự án đều gặp phải vướng mắc lớn về thủ tục pháp lý, việc thay đổi nhiều điều luật mới liên quan tới bất động sản khiến thủ tục đầu tư các dự án bị kéo dài.
Theo đó, lãnh đạo Vinahud thẳng thắn chia sẻ Mê Linh Thịnh Vượng cũng không nằm ngoài những khó khăn đó.
Trước đây, khi quyết định đầu tư vào dự án, ban lãnh đạo công ty đã kỳ vọng nhiều vào việc dự án sẽ sớm được đưa vào sản xuất kinh doanh đem về lợi nhuận nhưng vì nhiều lý do ngoại cảnh khiến dự án đã không được triển khai theo đúng kế hoạch và mang về lợi ích như tính toán ban đầu.
Trong khi đó, đại diện Vinahud nhấn mạnh "Các chỉ số tài chính của công ty đang không được tốt" thể hiện rõ trong báo cáo tài chính doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí tài chính đang rất cao.
Do đó, công ty muốn bán đi dự án với một mức giá hợp lý để giảm dư nợ vay, giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Về dự án mũi nhọn trong thời gian tới, phía Vinahud cho biết công ty đang tập trung triển khai dự án Grand Mercure Hội An đã gần hoàn thành và dự kiến sẽ là nguồn thu chính của doanh nghiệp.
Trên thực tế, Grand Mercure Hội An cũng là một trong những dự án bị chậm tiến độ của Vinahud so với kế hoạch ban đầu.
Trước đó, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Vinahud Trương Quang Minh cho biết dự án Grand Mercure còn bị chậm lại do yếu tố khách quan lên quan tới các thủ tục của cơ quan quản lý Nhà nước.
Cụ thể, theo luật xây dựng mới, các công trình phải có quy hoạch phân khu. Tuy nhiên ở Quảng Nam và các địa phương ngoài trực thuộc Trung ương, điều này vẫn còn hạn chế.
Dự án Grand Mercure còn vướng pháp lý.
Cùng với đó, ông Minh thông tin dự kiến tới tháng 6/2025, công ty sẽ bàn giao những căn hộ, căn villa đã triển khai ở phân khu thấp tầng đã hoàn thiện pháp lý, sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện phần hạ tầng của phần villa để bàn giao cho khách hàng.
"Trong thời gian vừa qua, công ty đã tích cực làm việc với địa phương để hoàn thiện tiếp các thủ tục pháp lý để dự án tiếp tục triển khai. Vinahud với tư cách là chủ đầu tư, chúng tôi bằng mọi cách nỗ lực để khi bán nhà cho khách hàng, giữ cam kết bàn giao", ông Minh nói tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Đối với việc thanh toán trước hạn khoản vay tại TPBank, phía Vinahud cho biết sẽ thanh toán toàn bộ 760 tỷ đồng dư nợ gốc và các chi phí tài chính liên quan tại ngân hàng này.
Số tiền 760 tỷ đồng này được TPBank giải ngân cho Vinahud để thanh toán tiền mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng để sở hữu một phần quyền phát triển Dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội - Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Bất động sản Primeland.
Khoản vay trên được nhà băng giải ngân trong năm 2023 cho Vinahud với thời hạn cho vay là 84 tháng, tương ứng đáo hạn vào khoảng đầu năm 2030.
Như vậy, Vinahud đã sử dụng chiêu thức "mỡ nó rán nó" khi vay tiền tại TPBank để góp vốn vào Mê Linh Thịnh Vượng rồi chỉ sau hơn một năm lại bán vốn tại Mê Linh Thịnh Vượng cao hơn so với giá mua vào để trả nợ cho TPBank.
Theo đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của Vinahud đã thông qua tất cả các tờ trình mà HĐQT đưa ra xin ý kiến cổ đông.
Qua đó, công ty đã thông qua đơn từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Minh Tuấn và ông Ngô Đức Tâm; 2 thành viên Ban kiểm soát là ông Phan Anh Tuấn và bà Phạm Thanh Huyền và hoàn tất việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban kiểm soát mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận