menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tywin Lannister

Đại biểu Quốc hội: Không nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu

Các đại biểu Quốc hội cho rằng không nên duy trì Quỹ bình ổn nhưng Bộ trưởng Tài chính nói vẫn cần thiết vì quỹ này giúp điều tiết sự tăng sốc giá xăng dầu.

Chiều 11/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Việc có nên tồn tại Quỹ bình ổn xăng dầu hay không khi sửa luật nhận nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) đề cập tới tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng, nhưng vai trò bình ổn thị trường của quỹ này lại chưa rõ. "Không hiếm hình ảnh nhiều cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng dài chờ mua xăng. Vậy vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này hay không?", ông Thịnh nêu.

Đại biểu tỉnh Khánh Hoà cho rằng đã tới lúc thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa theo quy luật thị trường. Việc này cần được liên Bộ Tài chính - Công thương cân nhắc thận trọng.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó đoàn Đồng Tháp cũng đồng tình việc nên bỏ Quỹ bình ổn. Ông Hoà phân tích, quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách, nguồn hình thành quỹ từ giá mua do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít), nhưng lại do doanh nghiệp quản lý. "Người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối", ông nói.

Mặt khác, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với thế giới, nên theo cơ chế thị trường sẽ hợp lý hơn. Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước sẽ điều tiết giá xăng dầu bằng công cụ khác như thuế, phí và hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế.

Đồng tình, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nói, hiện có nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không lý do gì cần duy trì quỹ này. Theo ông, bình ổn giá là hành động can thiệp thị trường, chỉ nên sử dụng trong vài thời điểm, trường hợp nhất định.

Với những gì đang diễn ra trên thị trường xăng dầu, đại biểu Đồng Nai cho rằng cơ quan quản lý cần điều chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo thị trường ổn định nhưng cũng hài hoà lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp.

"Nguyên tắc điều hành giá cần tuân theo quy luật thị trường, cung cầu. Việc Nhà nước can thiệp vào giá qua công cụ bình ổn, định giá cần bám sát nguyên tắc này để đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân", ông An nói.

Ở khía cạnh này, ông Phạm Văn Hoà đánh giá, bình ổn giá rất quan trọng, đảm bảo hàng hoá lưu thông, tránh lên xuống mất cân bằng gây xáo trộn sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, theo ông cần quan tâm tới cung cầu, hạn chế bao cấp bù lỗ, bù giá, linh hoạt khung giá phù hợp thị trường như bình ổn xăng dầu, vừa qua.

"Danh mục hàng hoá bình ổn giá cần đưa vào luật quy định với tiêu chí cụ thể, để tránh lạm dụng đại trà", ông nhấn mạnh.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho hay một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương khi được lấy ý kiến đã đề nghị vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

"Giá xăng dầu mà tăng lên sẽ ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Vì vậy, quỹ này giúp giảm sốc từ từ (tức điều tiết sự tăng mạnh của giá xăng)", ông Phớc nói.

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa cũng lần đầu được đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Theo đó, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.

Góp ý, ông Phạm Văn Hoà cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến mọi người dân nên cần có sự điều tiết giá. "Nhà nước quy định khung giá tối đa để các đơn vị phát hành sách tự định giá là hợp lý", ông nói.

Tuy nhiên, theo ông cần tính đến yếu tố thị trường của các nhà xuất bản, cạnh tranh để sách giáo khoa có giá hợp lý nhất. "Chúng ta không thể chấp nhận năm nào cũng có phản ánh về giá, thiếu sách giáo khoa. Người có tiền cũng chưa chắc đã mua được sách , người có thu nhập thấp dĩ nhiên là không mua được", ông nói.

Ngoài ra, ông Hoà đề nghị cần có quy định để sách giáo khoa sử dụng trong nhiều năm, "chứ dùng một năm rồi lại bỏ, rất lãng phí nguồn lực xã hội".

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) lo ngại nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh khi dự luật chỉ đưa ra quy định giá tối đa (giá trần) mà không có giá tối thiểu (giá sàn) với mặt hàng này.

Bà Thuý đề nghị quy định khung giá, gồm giá tối đa và tối thiểu để "không ảnh hưởng nhiều đến thực hiện xã hội hoá biên soạn và chống độc quyền sách giáo khoa".

Luật Giá (sửa đổi) được Chính phủ trình lần đầu tại kỳ họp thứ tư, dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 5 giữa năm 2023.

Hoài Thu

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại