24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huỳnh Dương Bốn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị thanh tra "ai đang ở nhà ở xã hội?"

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, có những dự án nhà ở xã hội tôi nhận thấy chưa nghiệm thu nhưng rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên mạng xã hội như Zalo, Facebook.

Nhiều người sở hữu nhà ở xã hội không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo

Tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh vào vấn đề tiếp cận nhà ở xã hội của người dân.

Theo đại biểu, đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng.

"Có thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này, không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay là thu nhập thấp như trong quy định", bà Nga nêu.

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị thanh tra "ai đang ở nhà ở xã hội?"

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Mặc dù trang 71 Báo cáo đầy đủ giám sát chỉ rõ, qua báo cáo của các địa phương cho thấy cơ bản các sở, ban, ngành tuân thủ quy định của pháp luật khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

"Nhưng thậm chí, có những dự án nhà ở xã hội tôi nhận thấy chưa nghiệm thu nhưng rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên mạng xã hội như Zalo, Facebook. Nếu có cuộc thanh tra kiểm tra xem ai là người đang ở nhà ở xã hội thì chắc rằng sẽ có những người không thuộc đối tượng được ưu đãi", bà Nga cho hay.

Theo đại biểu, thực trạng này có nhiều nguyên do như: Sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc "lách luật" mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Do vậy, đại biểu mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong thanh tra, kiểm tra đối tượng sử dụng nhà ở xã hội.

Đại biểu Nga cũng đề nghị bổ sung một nội dung là tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.

Xử lý nghiêm việc trục lợi chính sách nhà ở xã hội

Cùng quan điểm với đại biểu Nga, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng quy định của pháp luật; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi chính sách.

Mặt khác, đại biểu cho rằng nguồn cung cấp nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị thanh tra "ai đang ở nhà ở xã hội?"

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị xử lý nghiêm việc trục lợi chính sách nhà ở xã hội

Theo đại biểu, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về nhà ở xã hội. Sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay... tránh tình trạng chính sách rất tốt nhưng lại bị một "rừng thủ tục" cản trở.

Giá bán nhà ở xã hội còn cao

Cũng về vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được.

Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở.

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị thanh tra "ai đang ở nhà ở xã hội?"

Đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao

Do đó đại biểu Tâm kiến nghị cần sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện hình thức nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng, cho thuê.

Chú trọng biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng cấp các loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, nhất là các khu trọ hiện hữu đang đáp ứng nhu cầu lưu trú của một số đông công nhân, người lao động, nhưng được các cơ quan chức năng đánh giá là chưa đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, chưa đảm bảo an toàn, điều kiện sinh sống.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm soát giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở xã hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả