24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Văn Khánh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đà Nẵng: Gỡ “nút thắt” cho phát triển nhà ở xã hội

Tại Đà Nẵng, nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho việc phát triển quỹ nhà ở xã hội đang được thực hiện...

Nhu cầu vượt nguồn cung

Tại Đà Nẵng, cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, hiện quỹ nhà ở xã hội đang cạn dần trong khi nhu cầu lại tăng. Bởi vậy, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân vẫn rất lớn.

Được biết từ năm 2005, Đà Nẵng đã thực hiện chương trình “5 không”, “3 có”. Trong đó, mục tiêu “3 có” là có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị. Theo đó, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội, hoàn thành 194 khối nhà với gần 14.000 căn hộ chung cư; 16 khối nhà với 1.874 phòng ký túc xá sinh viên… Những nỗ lực này đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, việc đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách rất hạn chế, khiến quỹ nhà ở xã hội còn lại rất ít và hầu hết chỉ ưu tiên bố trí cho người có công với cách mạng.

Trên thực tế, thời gian qua việc phát triển quỹ nhà ở xã hội gặp khó khăn, trong khi nhu cầu tăng đều hằng năm… Tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND thành phố khóa X, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội rất lớn, nhất là các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, có gần 300 trường hợp hộ nghèo đặc biệt khó khăn về chỗ ở cần thuê nhà chung cư và hằng năm có hơn 1.000 đơn xin thuê nhà ở xã hội nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó, nhiều công nhân đến từ các địa phương khác làm việc lâu dài trong các khu công nghiệp, nhưng vẫn phải thuê nhà trọ nên cuộc sống rất khó khăn.

Để giải quyết những nhu cầu trước mắt, thành phố đang tiếp tục triển khai xây chung cư nhà ở xã hội với quy mô 209 căn cho người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép Đà Nẵng chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá phía tây thành phố (quận Liên Chiểu) với quy mô 728 căn.

Tuy nhiên do nhu cầu thời gian tới dự báo có thể sẽ tăng, bởi Đà Nẵng vừa có chủ trương mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, tạo điều kiện cho mọi người dân chưa có nhà ở có cơ hội mua được nhà. Vì vậy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn rất bức thiết.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Để giải quyết tình hình, bên cạnh những dự án nhà ở xã hội do chính quyền xây dựng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này ở Đà Nẵng đang được đẩy mạnh. Đến nay, bên cạnh gần 14.000 căn chung cư nhà ở xã hội từ vốn ngân sách thành phố, thì trên địa bàn đã có thêm 8 dự án nhà ở xã hội với 7.531 căn được đầu tư từ vốn ngoài ngân sách do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Đối với các căn chung cư ngoài ngân sách này, phần lớn là sản phẩm bất động sản thương mại, nên đối tượng, chính sách được mua có phần thông thoáng hơn, thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Đơn cử, Công ty cổ phần địa ốc Xanh Sài Gòn - Thuận Phước, chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội với quy mô 1.760 căn hộ, tại KCN Hòa Khánh, trên địa bàn quận Liên Chiểu cho biết, toàn bộ số căn hộ đưa ra bán trước đó đã được người dân đăng ký mua hết. Với mức giá 9,4 triệu đồng/m2, giá bán căn hộ khoảng 600 - 650 triệu đồng, nhiều gia đình công nhân và người có thu nhập thấp đã quyết định “xuống tiền”. Mới đây nhất, Sở Xây dựng thành phố cũng đã ban hành thông báo mở bán nhà ở xã hội đợt 4 tại dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, cũng nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Theo đó, đợt này có 135 căn hộ thuộc tòa nhà CT5 được mở bán với diện tích căn hộ từ 45-70m2.

Có thể khẳng định, các dự án nhà ở xã hội có thanh khoản rất tốt, cứ mở bán là có người mua. Hiện, tại Đà Nẵng nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho việc phát triển quỹ nhà ở xã hội đang được thực hiện. Tuy nhiên, theo nhiều người cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” của chính quyền địa phương. Trong đó, có việc công khai, công bố quy hoạch nguồn quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đa dạng các nguồn lực đầu tư để doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội. Trên thực tế, hiện tại Đà Nẵng cũng như ở các địa phương khác, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Trong đó, nổi lên là việc các chủ đầu tư vẫn chưa mặn mà với phân khúc này, do những rắc rối liên quan đến các thủ tục pháp lý. Đơn cử, về hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất, song vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng còn vướng mắc. Cụ thể, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai các dự án, nản lòng nhà đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả