Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi không tư lợi gì trong việc Sabeco thoái vốn
Bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết, ông không không có động cơ, mục đích, hay tư lợi gì trong việc thoái vốn của Sabeco khiến đất vàng rơi vào tay tư nhân.
Chiều 23/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm, đưa bị cáo Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Công Thương) cùng 9 bị cáo khác ra xét xử trong trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM.
Khẳng định không trực tiếp quản lý Sabeco
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết, ngày 8/4/2016 bị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công Thương. Bị cáo khẳng định, từ cuối tháng 3 đã không tham gia điều hành bất cứ việc gì của Bộ chứ không chỉ công việc liên quan đến Sabeco.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đến ngày 30/5/2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức. Đến tháng 6/2016, Sabeco thực hiện đấu giá. Sau đó đến ngày 26/8/2016, Sabeco báo cáo Bộ để phê duyệt. Quá trình thoái vốn kết thúc vào năm 2017.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, bản thân không trực tiếp quản lý Sabeco trong cuộc họp diễn ra vào ngày 29/3/2016 như cáo trạng nêu, cuộc họp này đã quyết định giá khởi điểm của Sabeco khi thoái vốn tại Sabeco Pearl là 13.247 đồng/cổ phần. Ông Vũ Huy Hoàng lý giải chủ trì thay bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương (hiện bỏ trốn) do lúc đó bà Thoa đi vắng.
Về quá trình Sabeco thoái vốn, bị cáo Hoàng khai lý do vì Chính phủ có chủ trương yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính. Sau đó, các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Pearl cũng gửi văn bản cho ông, đề nghị để Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh này.
Vai trò của Hồ Thị Kim Thoa
Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco, Phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước giai đoạn 2012-2015 được luật sư thẩm vấn với vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Cáo trạng thể hiện, ông Tuất ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương. Do Sabeco chậm triển khai dự án, ông Tuất và các thành viên bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco còn bị Bộ Công Thương có công văn đề nghị rút kinh nghiệm, yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới để thực hiện dự án. Việc liên doanh với doanh nghiệp nào đều do lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định.
Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt các nhà đầu tư mới để Sabeco liên doanh thành lập Sabeco Pearl, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Phan Đăng Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án. Sau đó, các sở, ngành TPHCM tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố cho thuê đất trái các quy định pháp luật.
Tại tòa, ông Tuất khẳng định việc ông làm đều có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương. Khi vụ án bị điều tra, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa được xác định có vai trò trong việc để xảy ra các sai phạm tại dự án, song bị can đang bỏ trốn.
Qua lời khai của ông Tuất và của bị cáo Vũ Huy Hoàng cũng đã cho thấy rõ hơn vai trò của bà Thoa trong sai phạm tại dự án này. Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, bà Thoa được phân công phụ trách Vụ Công nghiệp Nhẹ, trong đó có Sabeco. Mọi công việc liên quan đến Sabeco đều do bà Thoa và bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ) phụ trách.
Trong khi đó, cáo trạng nêu, bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng chỉ đạo thành lập Sabeco Pearl cùng các doanh nghiệp tư nhân để đầu tư thực hiện Dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Sau đó, Sabeco đã thoái toàn bộ vốn góp trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất này từ tài sản Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật; gây thất thoát, thiệt hại hơn 2.700 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường