Cuối năm - thời điểm “vàng” để cơ cấu lại danh mục đầu tư?
Năm 2023, đà tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể giảm nhưng dự báo vẫn ở mức khoảng 12 - 14%, trong đó thu nhập từ thị trường chứng khoán khoảng 14%, hấp dẫn hơn gửi tiền tiết kiệm.
Cuối tháng 11 và đầu tháng 12 hằng năm luôn là thời điểm vàng để nhà đầu tư nhìn lại danh mục và chuẩn bị các phương án đầu tư cho giai đoạn tiếp theo vào năm sau. Tuy nhiên, cuối năm 2022 trong bối cảnh gia tăng sức ép của lãi suất trong và ngoài nước, áp lực về tỷ giá hay tổng cầu giảm, cùng với việc nhà đầu tư có phản ứng không mấy tích cực với thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu, câu hỏi được đặt ra là khoảng thời gian này có còn là thời điểm vàng như mọi năm hay không và nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Tại Talk Show Phố Tài Chính, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ Việt Nam mà hầu như các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đều chịu sức ép từ lãi suất tăng, các điều kiện tài chính thắt chặt. Một số nền kinh tế lân cận Việt Nam như Hàn Quốc đang gặp vấn đề với các doanh nghiệp năng lượng hay sản xuất thực phẩm trong việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Nước này cũng phải thành lập quỹ ứng phó trị giá 35 tỷ USD. Hay như Trung Quốc cũng đã đưa ra chính sách trong đó có 16 điều khoản tháo gỡ khó khăn về thanh khoản của thị trường.
Đối với Việt Nam, các ngân hàng thương mại đang hạn chế dư địa cho vay, lãi suất huy động của một số ngân hàng chạm mức 10%/năm. Ngoài ra, việc VNĐ đang mất giá so với USD cũng là vấn đề đáng quan tâm. Mặc dù mức độ giảm giá ít nhất trong khu vực nhưng vẫn ở khoảng 9%, điều này ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp có tỷ trọng vay bằng đồng USD cũng như ảnh hưởng đến nghĩa vụ thanh toán nợ.
Về việc tổng cầu có dấu hiệu giảm rõ rệt hơn so với các quý trước, bà Hiền cho biết hầu hết các tổ chức tài chính lớn đều dự báo nền kinh tế đang có xu hướng rơi vào suy thoái. Đối với Việt Nam, đà phục hồi duy trì khá tốt trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, xuất khẩu có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong 2 tháng gần đây.
Đối với thị trường chứng khoán, chuyên gia đến từ VNDirect đánh giá dưới áp lực của các thách thức bên trong và bên ngoài, rõ ràng các tổ chức tài chính, thành viên tham gia thị trường đang có xu hướng tăng cường sự phòng thủ và tìm cách bán đi tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Trong đó, cổ phiếu và trái phiếu được cho là có tính thanh khoản nhất. Chính điều này gây ra sự sụt giảm về khối lượng giao dịch và điểm số trên thị trường chứng khoán. Bà Hiền nhấn mạnh điều này xảy ra đối với hầu hết các thị trường chứng khoán các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Mỹ.
Bên cạnh đó, với đặc thù thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này dễ bị ảnh hưởng bởi tin đồn cũng như hiện tượng Fomo (hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội), điều này góp phần làm cho thị trường rơi vào trạng thái quá bán.
Theo bà Hiền, trong quý cuối cùng của mọi năm trước, thường các quỹ, tổ chức tài chính lớn lựa chọn tái cơ cấu danh mục và giải ngân cho năm mới. Khi lãi suất đầu vào tăng lên, kênh đầu tư chứng khoán sẽ mất đi tính hấp dẫn, tuy nhiên, sự tương quan này sẽ bị phá vỡ khi lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục tăng. Năm 2023, đà tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể giảm nhưng dự báo vẫn ở mức khoảng 12 - 14%, trong đó thu nhập từ thị trường chứng khoán vào khoảng 14%. Mức thu nhập trên được cho là hấp dẫn hơn gửi tiền tiết kiệm.
Cùng với đó, từ đầu tháng 10 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài tích cực giải ngân. Gần đây, ETF Fubon có thông báo huy động thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy thời điểm này, các tài sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã rất rẻ và bắt đầu có thể giải ngân.
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường còn yếu và dòng tiền chưa dồi dào, bà Trần Thị Khánh Hiền đánh giá sóng ngành như những năm trước khó có thể xảy ra, tuy nhiên, vẫn có một số ngành được hưởng lợi từ những động lực tăng trưởng của nền kinh tế như nhóm đầu tư công, nhóm liên quan đến hàng không, nhóm năng lượng xanh hoặc nền kinh tế số.
Đối với cơ quan quản lý về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect cho rằng trong ngắn hạn, việc khơi thông dòng vốn vào thị trường đang cấp thiết, bằng mọi cách cần đưa được dòng tiền vào thị trường. Có thể tận dụng nguồn vốn hiện để dành cho giải ngân đầu tư công để phần nào hỗ trợ thị trường tài chính nói chung. Vấn đề thứ hai là cơ quan quản lý cần xử lý các tin đồn thất thiệt, các thông tin giả tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Về dài hạn, hiện Hàn Quốc hay Trung Quốc đã thành lập các quỹ ứng cứu kịp thời đối với trái phiếu doanh nghiệp và Việt Nam cũng có thể cân nhắc giải pháp tương tự. Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện hệ thống giao dịch KRX để đưa giao dịch về T+2 thay vì T+2,5 như hiện nay. Điều này sẽ mở đường giúp Việt Nam được nâng hạng vào thị trường mới nổi của MSCI sớm hơn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận