menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Vân

Cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu: Nguyên nhân sâu xa do đâu?

Việc châu Âu thiếu hụt khí đốt sẽ tạo gánh nặng cho người dân và đè nặng lên tiến trình phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ làm đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung và căng thẳng chính trị đã làm chao đảo thị trường năng lượng, khiến giá của mặt hàng này luôn ở mức cao.

Điều này đã chèn ép các doanh nghiệp và buộc họ phải tăng giá bán cho khách hàng.

Moscow bị cáo buộc lợi dụng tình hình không ổn định để thúc đẩy nhanh chóng việc khởi động đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 mới, vốn đang chờ các cơ quan quản lý của Đức phê duyệt và đã bị Ukraine, Mỹ và một số nước khác chỉ trích.

Với việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu và Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu đó, ông Putin đang có ảnh hưởng hơn.

Ông Putin cho biết, đường ống mới đã được lấp đầy khí đốt và có thể giúp tăng nguồn cung cấp "ngay ngày hôm sau" khi được phê duyệt.

Dưới đây là những yếu tố quan trọng đằng sau cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu:

Nguyên nhân châu Âu rơi vào khủng hoảng

Có nhiều lý do. Thứ nhất, mùa Đông lạnh giá làm cạn kiệt lượng khí dự trữ, vốn được sử dụng để tạo ra năng lượng điện và thường được làm đầy lại vào mùa Hè. Năm nay điều đó đã không xảy ra.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng làm tiêu hao nhiều khí đốt hơn do nhu cầu sử dụng điều hòa. Ít gió hơn đồng nghĩa với việc ít điện tái tạo hơn, dẫn đến việc các máy phát điện phải sử dụng nhiên liệu khí đốt.

Hơn nữa, châu Âu nhiều năm qua đã thúc đẩy việc định giá giao ngay theo ngày, thay vì các hợp đồng dài hạn.

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom do Nga kiểm soát đáp ứng các hợp đồng dài hạn đó, nhưng không bơm thêm khí đốt vượt quá mức.

Giá khí đốt trong tháng 10/2021 cao hơn 7 lần so với đầu năm và gần đây đã giảm xuống chỉ còn cao hơn khoảng 4 lần.

Vai trò của “Dòng chảy phương Bắc 2”

Gazprom đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng đường ống dẫn dài 1.234 km từ Nga sang Đức.

Đường ống này sẽ cho phép Nga bán khí đốt trực tiếp cho khách hàng lớn và tránh đi qua Ukraine, vốn phải đối mặt với áp lực không ngừng từ Nga sau vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 và sự trợ giúp của Nga đối với phiến quân ly khai Ukraine.

Ngay cả trước khi xảy ra chiến sự hồi năm 2014, Moscow đã nỗ lực đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), cho rằng hệ thống của Ukraine đổ nát và cáo buộc nước này bòn rút khí đốt.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 15/11 cho biết, ông hy vọng "các nước châu Âu khác nhận ra rằng, sắp tới họ sẽ phải lựa chọn giữa việc tiêu thụ nhiều hơn lượng hydrocarbon của Nga thông qua đường ống khổng lồ mới, với việc ủng hộ Ukraine đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và ổn định”.

Một số nhà phân tích tỏ ra không mong muốn Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi vào hoạt động trong mùa Đông này, mặc dù đã có suy đoán châu Âu có thể cho phép khí đốt bắt đầu được trung chuyển trong lúc các nhà quản lý xem xét thông qua.

Nga có giữ lại nguồn dự trữ khí đốt?

Người đứng đầu chi nhánh xuất khẩu của Gazprom Elena Burmistrova cho biết: “Gazprom không quan tâm đến việc giá khí đốt thấp hay cao kỷ lục. Chúng tôi muốn thấy một thị trường cân bằng và có thể dự đoán được”.

Một số nhà phân tích cũng đồng ý với phát biểu này.

Thomas O’Donnell, nhà phân tích năng lượng và địa chính trị tại trường Đại học Hertie School ở Berlin cho biết, Nga phải làm đầy kho dự trữ khí đốt - giống như EU - sau một mùa Đông lạnh giá.

Theo chuyên gia này, mặc dù ông Putin luôn thể hiện mình là “ông trùm khí đốt” và lợi dụng sự thiếu hụt để thúc ép phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng “thực tế là Nga đơn giản không có khí đốt dư thừa để xuất khẩu, cho đến khi nước này làm đầy kho dự trữ khí đốt của mình”.

Ông Putin đã yêu cầu Gazprom chuyển khí đốt vào kho chứa ở châu Âu sau khi Nga hoàn tất việc làm đầy kho dự trữ khí vào tuần trước.

Nhưng theo ônh O’Donnell, “số lượng đó vẫn bị hạn chế” và "ông Putin có thể làm được nhiều hơn thế nữa”.

Giới chức Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này.

Tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Âu Karen Donfried nhận định: “Nga có thể và nên cung cấp thêm nguồn khí đốt qua Ukraine - quốc gia có đủ đường ống để làm điều đó”.

Bà cho biết thêm: “Nếu Nga không làm được, thì rõ ràng điều đó sẽ gây tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu và đặt ra câu hỏi về động cơ của xứ sở bạch dương khi giữ lại những nguồn cung đó”.

Theo ông O’Donnel, bằng cách nhấn mạnh sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, ông Putin và Gazprom có thể hy vọng thị trường EU khoan dung hơn trong các quy định đối với Dòng chảy phương Bắc 2.

Đường ống trên đã bị trì hoãn vào ngày 16/11 khi các cơ quan quản lý của Đức đình chỉ quá trình phê duyệt do một vấn đề liên quan đến tình trạng của nhà điều hành đường ống theo luật pháp của Đức.

Tác động của việc thiếu hụt khí đốt với châu Âu

Giá khí đốt tự nhiên sẽ được phản ánh trong các hóa đơn điện và khí đốt của các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh.

Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, năng lượng tăng giá đang cản trở sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 do làm giảm khả năng chi tiêu, đầu tư kinh doanh của người tiêu dùng.

Giới phân tích đang hy vọng sẽ không có một cơn bão lớn cuối Đông đe dọa nguồn cung cấp năng lượng đang bị cạn kiệt. Nếu mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ, nguồn cung điện có thể bị hạn chế - có lẽ trước tiên là đối với một số khách hàng công nghiệp.

Tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng có thể khiến những người nghèo và dễ bị tổn thương tử vong, giống như những gì đã xảy ra ở Texas, Mỹ năm nay khi một cơn bão mùa Đông làm mất điện, khiến hơn 200 người tử vong.

(tổng hợp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả