'Cuộc chiến vương quyền' ngành bia Sabeco - Heineken
Không chỉ cạnh tranh trên thương trường, theo nguồn tin của Nhadautu.vn, Sabeco - Heineken cũng đang đấu nhau kịch liệt để tranh tài trợ chính cho Seagame 31 tổ chức tại Việt Nam.
Bộ đôi "người khổng lồ"
Năm 2019, theo báo cáo của Kirin Holdings, Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á; đứng vị trí thứ ba trên toàn châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) dự đoán rằng lượng tiêu thụ bia trung bình sẽ tăng 65% trong giai đoạn năm 2011 - 2021. Với dân số tương đối trẻ, thị trường Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, qua đó có thể đón nhận thêm những nhà sản xuất bia toàn cầu.
Tuy nhiên, những cái tên mới gia nhập chắc chắn phải dè chừng hai "người khổng lồ" là Heineken và Sabeco - bộ đôi thương hiệu đang làm mưa làm gió trên thị trường bia Việt Nam. Vào năm 2019, CEO Sabeco Bennett Neo từng chia sẻ rằng, quy mô và tầm ảnh hưởng của Sabeco và Heineken là quá lớn để các đối thủ còn lại có thể cạnh tranh hiệu quả.
Một câu nói tuy ngắn gọn, nhưng dường như đã miêu tả bao quát và chính xác bức tranh thị trường bia Việt Nam. Trong 11 năm qua, tổng thị phần của Sabeco và Heineken tính theo sản lượng bia chưa bao giờ ở dưới mức 63%. Theo báo cáo của Euromonitor, con số này đã tăng lên 73,1% vào năm 2019.
Điều này đồng nghĩa với việc Habeco, Bia Huế (HBL), Carlsberg… phải chấp nhận chia nhau "miếng bánh" chưa đến 27% thị phần còn lại.
Heineken chỉ chiếm 19,7% thị phần bia Việt Nam vào năm 2010. Chênh lệch giữa Heineken và Habeco, doanh nghiệp đứng thứ ba, là dưới 5%. Tuy nhiên, Heineken đã và đang gia tăng dần thị phần, qua đó đạt mức cao mới 33,5% vào năm 2019. Trong khi đó, Habeco chỉ còn nắm giữ 10,9% thị phần.
Đối với Sabeco, thị phần của công ty lại ghi nhận mức tăng trưởng không đồng đều trong thập kỷ qua, dù vẫn luôn giữ vững vị trí dẫn đầu. Cách đây 10 năm, ông chủ Bia Sài Gòn gần như không có đối thủ khi nắm trong tay 45,5% tổng sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thị phần của Sabeco sau đó bắt đầu bị sụt giảm, xuống còn 37,1% vào năm 2015 trước khi tăng trở lại. Theo báo cáo của Euromonitor, Sabeco kiểm soát 39,6% thị trường bia Việt Nam vào cuối năm 2019.
Liệu ngôi vương có sớm đổi chủ?
Dù là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về quy mô nhưng nếu nhắc tới hiệu quả kinh doanh, Sabeco không phải là doanh nghiệp bia thành công nhất Việt Nam, khi mà Heineken, dù có thị phần thấp hơn, nhưng lợi nhuận các năm qua đều cao hơn đáng kể.
Cụ thể, trong năm 2019, ông lớn Sabeco vẫn giữ được vị thế dẫn đầu thị trường khi ghi nhận doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng, cao hơn 16% so với mức 31.867 tỷ đồng của Heineken. Tuy nhiên, lãi sau thuế của Heineken lại vượt xa 40% so với Sabeco, đạt mức 8.949 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, mức chênh lệch này là 63%, 40%, 71%.
Do vậy, không bất ngờ khi biên lợi nhuận trên doanh thu (ROS) của Heineken vượt trội so với thành viên Tập đoàn Thaibev. Giai đoạn 2016-2019, ROS bình quân của nhà sản xuất đến từ Hà Lan là 31%, trong khi với Sabeco là 13,4%.
Những nỗ lực mở rộng thị trường giúp Heineken rút ngắn khoảng cách thị phần với Sabeco xuống còn 6,1% tới cuối năm 2019. Nhưng nếu muốn soán ngôi đầu của Sabeco, chặng đường Heineken phải đi còn rất xa. Hơn 6% thị phần tại một thị trường tiêu thụ gần 5 tỷ lít bia không phải là con số nhỏ. Thêm vào đó, Sabeco đang chuyển mình rõ rệt sau khi về tay ThaiBev. Có thể thấy chỉ số ROS của Sabeco sau khi tạo đáy năm 2018, đã tăng liên tục trong 3 năm qua, trong khi chỉ số này với Heineken dù vẫn ở mức cao, song giảm đều trong giai đoạn 2016-2019.
Sau 3 năm đổi chủ, Sabeco đang thay đổi hình ảnh của Bia Sài Gòn theo hướng hiện đại, cao cấp hơn, qua đó phù hợp với xu thế mới của thị trường. Điều này cũng chính là một trong những yếu tố giúp công ty vượt qua năm 2020 đầy khó khăn.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, Sabeco đạt doanh thu gần 28.000 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.936 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2019. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch đề ra đầu năm 2020 thì doanh thu thuần thực hiện đã tăng 17% và lợi nhuận sau thuế tăng 42%.
Trong năm 2021, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 20%, đạt 33.491 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên 5.289 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020.
Trả lời thắc mắc của một số cổ đông về việc tại sao doanh thu 2021 tăng 20% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 7%. Ban lãnh đạo Sabeco cho biết, năm 2020 là năm khó khăn vì dịch COVID-19, có một số chi phí đã dời lại và công ty sẽ triển khai trong năm nay. Giá thành nguyên vật liệu đầu vào đã tăng mạnh nên cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các đối thủ đã gia tăng mạnh chi phí quảng cáo, tiếp thị rất nhiều và Sabeco cũng sẽ gia tăng đầu tư vào hoạt động này trong năm nay để tăng sức cạnh tranh.
Liên quan đến diễn biến giá cổ phiếu SAB giảm sâu trên thị trường, bằng chưa tới một nửa mức giá Thaibev mua cuối năm 2017. Ông Teo Hong Keng, Phó Tổng Giám đốc Sabeco chia sẻ: "Trong tương lai, chúng tôi chưa tập trung xem xét việc mua lại cổ phần, mà quan trọng hơn là muốn tập trung vào kinh doanh. Khi công việc kinh doanh phục hồi tốt và tiếp tục phát triển thì giá trị của cổ phiếu cũng sẽ tăng tương ứng. Và như vậy, nó cũng sẽ tạo nên một sự vững chắc lâu dài, một tính bền vững của giá trị cổ phiếu".
Đáng chú ý, trong năm 2021, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến sẽ hoàn tất thoái vốn tại Sabeco. Trước đó vào tháng 8/2020, SCIC đã nhận chuyển giao 230 triệu cổ phần tại Sabeco từ Bộ Công thương, tương ứng 36% vốn.
Mới đây, Thaibev cho biết: "Chúng tôi cam kết phát triển toàn diện hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình tại Việt Nam, đặc biệt đối với Sabeco. Đồng thời, Tập đoàn đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình là đơn vị sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu ngành bia".
Trước đó, đã xuất hiện nhiều đồn đoán về việc Thaibev muốn bán lại phần vốn chi phối trong Sabeco. Tuy nhiên tập đoàn Thái Lan đã phủ nhận thông tin này.
Như Nhadautu.vn đề cập trong bài viết gần đây, tỷ lệ sở hữu của hiện Sabeco rất cô đặc, với 36% thuộc SCIC và 62,91% sở hữu nước ngoài (gồm 53,59% của Thaibev), tổng cộng là 98,91%, còn lại hơn 1% là nhà đầu tư trong nước.
Điều này đồng nghĩa với việc Thaibev nhiều khả năng sẽ phải mua trọn lô 36% từ SCIC để nắm quyền phủ quyết hoàn toàn tại Sabeco.
Trở lại với sự ganh đua giữa Sabeco và Heineken, không chỉ cạnh tranh trên thương trường, theo nguồn tin của Nhadautu.vn, hai ông lớn ngành bia này cũng đang "đấu nhau" kịch liệt để tranh tài trợ chính cho Seagame 31 tổ chức tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận