Cuộc chiến 'không cân sức' với đồng bạc xanh của các ngân hàng trung ương châu Á
Đồng USD tăng giá mạnh trong năm 2022, đe dọa giá trị đồng nội tệ và dự trữ ngoại hối của nhiều nền kinh tế châu Á.
Các ngân hàng trung ương khu vực châu Á đang tham gia vào một cuộc chiến “không cân sức” nhằm bảo vệ đồng tiền nội địa của mình trong bối cảnh “tình yêu” đối với đồng bạc xanh của Mỹ đang vô cùng mãnh liệt.
WST Dollar Index, chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với 16 đồng tiền khác, tăng hơn 10% từ đầu năm 2022. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm theo đuổi chiến lược tăng lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ và rủi ro suy thoái toàn cầu ngày một tăng cao, nhà đầu tư có xu hướng tiếp tục gắn bó với đồng bạc xanh trong quãng thời gian dài sắp tới. Điều mà các ngân hàng trung ương châu Á có thể hy vọng ở thời điểm hiện tại chính là việc đồng tiền nội tệ của họ không mất giá quá nhanh.
WST Dollar Index tăng hơn 10% kể từ đầu năm. Ảnh: WSJ. |
Ấn Độ đối diện với áp lực không nhỏ khi là quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa. Quốc gia Nam Á này ngay lập tức áp dụng một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng “chảy máu” vốn chảy khỏi nền kinh tế, trong đó bao gồm một số thay đổi thân thiện với thị trường.
Tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ nới lỏng một số quy định quản lý thị trường nợ đối với các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài, đồng thời cho phép ngân hàng thương mại tăng lãi suất đối với các khoản tiền gửi ngoại tệ đối với khách hàng không cư trú.
Dự trữ ngoại hối của quốc gia này đạt 588,31 tỷ USD tính đến ngày 1/7, nhưng đã sụt giảm 45 tỷ USD trong nửa năm qua. Đồng rupee giảm 6,6% từ đầu năm 2022, liên tục kiểm chứng các mức đáy mới trong vài tuần gần đây, theo FactSet.
Đồng tiền nội tệ của một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng liên tục đi xuống thời gian gần đây. Đồng rupiah của Indonesia giảm 4,4% kể từ đầu tháng 4, trong khi đó, đồng baht của Thái Lan giảm 8%, đồng ringgit của Malaysia giảm 5,5%.
Dự trữ ngoại hối của các quốc gia này cũng bị ảnh hưởng, trong đó, Thái Lan chịu tác động nặng nề nhất. Trong sáu tháng qua, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế số hai Đông Nam Á giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Thái Lan chấp nhận thực tế này thay vì tăng mạnh lãi suất, điều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Với việc quốc gia này gỡ bỏ phần lớn các quy định hạn chế đối với khách du lịch đã tiêm phòng vaccine Covid-19, cơ quan này kỳ vọng quá trình phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực du lịch sẽ giúp cải thiện tình hình hiện tại. Trước khi đại dịch bùng nổ, ngành du lịch đóng góp 20% vào nền kinh tế của Thái Lan.
Đồng rupiah giảm ít hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực do Indonesia là quốc gia mạnh về xuất khẩu. Xuất khẩu than của quốc gia này tăng vọt trong thời gian qua, giá trị xuất khẩu than và than nâu trong tháng 5 đạt 5 tỷ USD, cao hơn hai lần so với cùng giai đoạn trong năm 2019, theo dữ liệu từ CEIC.
Điều đó giúp ngân hàng trung ương quốc gia này “dễ thở” hơn so với các cơ quan đồng cấp trong khu vực. Cơ quan này cam kết giám sát chặt chẽ đà giảm giá của đồng nội tệ nhưng kiên quyết chưa tăng lãi suất tính tới thời điểm hiện tại của năm 2022. Goldman Sachs dự báo cơ quan này sẽ bắt đầu quá trình siết chính sách tiền tệ trong tháng 8 tới với mức tăng lãi suất 1,25% tính tới cuối năm 2022.
Các ngân hàng trung ương châu Á đang đi giữa “một lối đi hẹp” giữa lãi suất, lạm phát và tình trạng thất thoát vốn, với đa dạng cách ứng phó phụ thuộc vào tình hình nội tại của mỗi nước. Bất cứ giải pháp nào họ đưa ra, tình trạng này sẽ chỉ thực sự thuyên giảm khi Fed dừng quá trình siết chính sách tiền tệ của mình. Cho tới thời điểm đó, đồng USD vẫn là kẻ “bất khả chiến bại”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận