24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

[CÙNG BÀN LUẬN] Có thực sự là Việt Nam “chỉ sản xuất được cái ốc vít biển số ô tô”?

Xin giới thiệu góc nhìn của một anh bạn fb có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế hơn tất cả anh chị em chúng ta. (Xin nói thêm, càng nhiều FTA thì chúng ta chỉ cặm cụi làm thuê, làm mướn ở đáy của chuỗi giá trị mà thôi nếu ko thức tỉnh vươn lên).

Ông đại diện VASI (Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam) cho rằng các doanh nghiệp tại Việt Nam “chỉ mới làm được cái ốc vít bắt biển số xe ô tô”. Phát ngôn thì gây sốc nhưng cũng chỉ tương tự 10 năm trước đây người ta bảo Việt Nam “không làm nổi ốc vít cho Samsung” mà thôi. Sự thật thì có thể đúng như thế vì Samsung hay các nhà sản xuất ô tô không mua được gì của các nhà cung cấp tại chỗ. Chỉ có điều bản chất thì nhiều khi rất khác với các nhận xét khái quát và định tính.

Thực ra ông Chủ tịch VASI nói chẳng có gì sai vì chỉ cái ốc vít bắt biển số là không thuộc linh kiện xe, còn tất cả các linh kiện cơ khí khác các hãng ô tô nước ngoài đều nhập khẩu cả. Ngay cả các bộ phận không phải cơ khí như lốp xe con rất muốn mua trong nước cũng không có. Ghế xe con các loại cũng vậy, không có nhà chế tạo nào trong nước có thể đáp ứng. Chỉ có ắc quy điện là có thể mua trong nước vì vận chuyển đường biển thuộc loại hàng hoá nguy hiểm.

Vấn đề của chế tạo máy là công nghệ vật liệu, công nghệ gia công. Linh kiện làm ra vừa phải đáp ứng về mặt kĩ thuật, công nghệ, vừa phải đảm bảo tính cạnh tranh. Ở giai đoạn hiện nay của ngành ô tô với thị trường không lớn lại có quá nhiều mẫu xe thì gần như không đủ sản lượng kinh tế cho bất kỳ linh kiện nào. Thái Lan năm 2000 sản lượng cũng như ta bây giờ nhưng giờ thì họ có sản lượng 2 triệu xe, một nửa tiêu dùng trong nước, một nửa xuất khẩu. Với sản lượng lớn như vậy thì họ nội địa hoá được rất nhiều.

Thị trường xe máy trong nước hiện nay là 3 triệu xe và đối với nhà máy của Honda thì hơn 90% số linh kiện là sản xuất trong nước. Chỉ trừ những linh kiện nào họ mua nước ngoài kinh tế hơn thì mới nhập khẩu. Người trong ngành thì chẳng cần tranh luận với người ngoài ngành là cơ khí trong nước làm được gì, những gì không làm được. Giải bài toán kĩ thuật và kinh tế nếu có lời giải thì gần như sẽ giải được đồng thời. Làm con ốc vít chẳng hạn chẳng đáng bao nhiêu tiền nhưng có khi lại phải đầu tư công nghệ rất đắt để tiêu hao vật tư ít nhất. Cũng cần phải nói là ốc vít có rất nhiều loại có kĩ thuật rất cao mà người không trong nghề chế tạo máy thì không thể nào hiểu.

Ở góc độ vật liệu thì đúng là chỉ con vít bắt biển số xe thì không đòi hỏi gì quan trọng, không ảnh hưởng gì đến chất lượng xe. Thế nhưng còn tất cả các loại vật tư chế tạo máy khác thì Việt Nam không làm. Ta không khắt khe về môi trường, giá điện rất cạnh tranh thì người ta chỉ cần đầu tư làm thép xây dựng với sản lượng lớn, chứ chẳng ai làm thép chế tạo. Đến gang thỏi để đúc chất lượng cao hơn cũng phải nhập. Nhôm chế tạo thì trong nước hoàn toàn không có. Người ta cứ hô hào công nghiệp 4.0 hay chuyển đổi số nhưng những thứ này chẳng liên quan gì đến khả năng công nghệ vật liệu.

Nói tóm lại công nghiệp chế tạo máy ở Việt Nam đang rất thiếu nền tảng cơ bản. Ta không làm được vật liệu, không chế tạo được các máy móc, không làm được dụng cụ cắt. Trước đây ta cũng đã làm nhưng khi hội nhập thì ta tự ti bỏ đi hết cả. Thế giới chỉ có những ngành công nghiệp cụ thể chứ không có thứ gọi là “công nghiệp hỗ trợ”. Đấy chỉ là thuật ngữ quá độ mang tính giải thích về mô hình sản xuất công nghiệp cần các nhà cung cấp. Mà các nhà cung cấp là một chuỗi cung ứng từ vật liệu đến linh kiện hoàn chỉnh cấp cho nhà sản xuất cuối cùng. Đối với công nghiệp ô tô của ta thì chuỗi cung ứng hoàn toàn ở nước ngoài. Đối với xe máy thì ta có khúc giữa và khúc cuối vì khúc đầu vật liệu là ở nước ngoài.

Ở Việt Nam nếu có các hiệp hội ngành nghề về chế tạo máy thì nên có hiệp hội luyện kim, hiệp hội đúc, hiệp hội rèn, hiệp hội sản xuất máy cái và nhiều chuyên ngành nữa. Các thành viên trong hiệp hội hỗ trợ lẫn nhau để có hiệu quả cao nhất khi đáp ứng thị trường chung. Đấy là chế tạo máy lĩnh vực cơ khí. Còn bao nhiêu loại sản phẩm khác của điện tử, điện máy cũng đòi hỏi các nhà cung cấp tương tự như vậy. Nếu món PHỞ là một ngành công nghiệp thì công nghiệp hỗ trợ của nó là các nhà cung cấp thịt bò, bánh phở, nước dùng, gia vị, rau thơm. Phát triển công nghiệp phở là đảm bảo cung cấp có chất lượng và cạnh tranh từng thứ làm nên món phở. Người cung cấp thịt bò chẳng liên quan gì bánh phở trong hiệp hội chung chung gọi là “hỗ trợ”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả