CSM - Triển vọng ngành tích cực nhưng rủi ro tài chính đang ở mức cao
CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất lốp xe. Với triển vọng phát triển ô tô trong nước và nhu cầu lốp xe xuất khẩu đang tăng, CSM là doanh nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của CSM rất đáng lo ngại.
Triển vọng ngành săm lốp khả quan
Khi mà dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu nội địa không còn tăng trưởng tích cực như trước thì xuất khẩu trở thành “cứu cánh” cho các doanh nghiệp săm lốp. Sản lượng săm lốp xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây.
Ngày 24/5/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kết luận, lốp ô tô từ Việt Nam có trợ cấp, bán phá giá và đưa ra mức thuế chống trợ cấp đối với lốp ô tô từ 6.23% - 7.89%. Cùng với thuế chống trợ cấp, lốp xe từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn bị áp thuế chống bán phá giá với thuế suất 22.3%. Tính tổng cộng hai loại thuế, công ty phải chịu xấp xỉ 29%.
Tuy mức thuế này cao hơn mức thuế của các nhà sản xuất Thái Lan, nhưng thấp hơn Hàn Quốc, Đài Loan. Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam vẫn có lợi thế so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành tại các quốc gia khác (bị áp thuế). CSM vẫn có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong các năm tới.
Thị trường Châu Âu, CSM cũng có nhiều thuận lợi trong thời gian tới khi mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm đối với phụ tùng ô tô.
Về cơ cấu doanh thu của CSM, xuất khẩu đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu (bao gồm các thị trường Châu Á, Châu Âu, Mỹ) và đang có xu hướng tăng dần qua các năm.
Giá cao su thiên nhiên và cước vận chuyển tăng cao
Giá cao su đang có xu hướng giảm trong năm 2021 nhưng vẫn ở mức khá cao. Cao su là nguyên vật liệu chính và chiếm tỷ trong lớn trong chi phí sản xuất lốp xe. Việc giá cao su đang ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Cùng với đó, giá cước vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết tổng chi phí vận chuyển (đã bao gồm các loại phụ phí vận chuyển) trong tháng 09/2021 dao động từ 20,000 USD – 25,000 USD/FEU (1 container loại 40 feet) trên các tuyến từ khu vực Đông Nam Á đến Bờ Đông Hoa Kỳ, thậm chí có một số lô hàng phải chịu mức phí lên đến 30,000 USD/FEU.
Trên các tuyến từ khu vực Đông Nam Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ, chi phí vận chuyển đạt từ 16,000 USD – 20,000 USD/FEU. Các lô hàng cần chuyển gấp để đến kịp Hoa Kỳ vào cuối tháng 10/2021, thời điểm bắt đầu kỳ mua sắm cao điểm cuối năm, sẽ phải chịu mức chi phí cao nhất.
Doanh thu thuần tăng trưởng ổn định
Doanh nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng doanh thu ổn định qua các năm. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) của doanh thu thuần trong giai đoạn 2017-2020 ở mức 10.1%.
Tuy nhiên, việc nợ vay chiếm hơn 50% trong cơ cấu tổng nguồn vốn của CSM, tăng cao trong những năm gần đây và dự kiến tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng nguồn vốn năm 2021. Điều này khiến chi phí lãi vay luôn ở mức cao, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Rủi ro tài chính cao
Việc vay nợ nhiều dẫn đến rủi ro tài chính của CSM luôn ở mức cao trong những năm gần đây. Theo tiêu chuẩn đánh giá rủi ro tài chính doanh nghiệp của Standard and Poor’s, sức khỏe tài chính của CSM khá yếu.
Tuy mức độ rủi ro được cải thiện dần qua các năm nhưng vẫn có tới 2/3 chỉ số ở mức aggressive và một chỉ số nằm ở mức highly leveraged.
Định giá cổ phiếu
Chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực châu Á có quy mô và vị thế phù hợp để làm cơ sở tính giá hợp lý cho CSM. Mức P/E và P/B trung vị của doanh nghiệp lần lượt ở mức 21.57 lần và 2.19 lần.
Với tỷ trọng được chia đều cho hai phương pháp trên, kết quả định giá của CSM là 24,392 đồng/cp. Như vậy, giá thị trường đang ở mức khá hợp lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận