COVID-19 và nỗi lo khủng hoảng lương thực toàn cầu
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng trên nhiều khu vực.
Dự báo mới nhất của Liên hợp quốc cảnh báo, suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 khiến thế giới có thêm 132 triệu người rơi vào tình cảnh thiếu đói bên cạnh 690 triệu người đã thuộc diện này từ trước. Cùng lúc, sẽ có khoảng 135 triệu người phải chịu ảnh hưởng từ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Đáng chú ý, tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành nông nghiệp rất rộng, gây ra tình cảnh thiếu ổn định ở cấp độ chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu khi tạo ra điểm nghẽn về thị trường lao động, cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, vận tải và hậu cần…
Đặc biệt, nguy cơ mất an ninh lương thực hiển hiện rõ nhất tại các nước bùng phát dịch bệnh mạnh mẽ như các quốc gia Đông Nam Á, nhưng thu nhập lại giảm vì dịch bệnh. Thế giới có thể có thêm 132 triệu người rơi vào tình cảnh thiếu đói bên cạnh 690 triệu người đã thuộc diện này từ trước đó. Đồng thời, sẽ có khoảng 135 triệu người phải chịu ảnh hưởng từ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Có thể thấy, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 và nhu cầu thực phẩm gia tăng của người tiêu dùng đã làm tăng giá lương thực trên toàn cầu, cũng như trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực đối ở các quốc gia có thu nhập thấp, những người đã dành phần lớn thu nhập cho thực phẩm.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc nhận định, nếu không hành động nhanh chóng, thế giới có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, gây hậu quả dài hạn đối với hàng trăm triệu người lớn và trẻ em.
“Trước COVID-19, mọi người ít coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu hơn vì nguồn cung thực phẩm dễ dàng thuận tiện. Nhưng khi các quốc gia bắt đầu đóng cửa biên giới và thực hiện các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn sự lây lan, nguồn lương thực cũng bị hạn chế dần và khan hiếm hơn”, William Chen, Giám đốc Chương trình Khoa học và Công nghệ Thực phẩm tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định, đại dịch là một lời cảnh tỉnh rất tốt với thế giới, trong đó, để khắc phục tình trạng khủng hoảng lương thực, giảm lãng phí thực phẩm có thể mang lại cho thế giới khoản tiết kiệm 700 tỷ USD. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Á đang nhảy vào cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm, cũng như phân phối và tái chế thực phẩm dư thừa.
Yindii, một công ty khởi nghiệp chống lãng phí thực phẩm của Thái Lan đã ra mắt một ứng dụng để kết nối những người dân Bangkok với các tiệm bánh, quán cà phê, siêu thị và nhà hàng. Doanh nghiệp này đã dùng các loại hàng tồn kho chưa bán tại các cửa hàng vào “hộp bất ngờ”. Sau đó. khách hàng có thể mua hộp này với mức giá chiết khấu từ 50% đến 80% vào cuối ngày và được giao hàng đến tận nhà.
Theo nhà sáng lập Yindii, có khoảng 17 triệu tấn thực phẩm không sử dụng bị bỏ đi mỗi năm. Chính vì vậy, các chương trình như “hộp bất ngờ” được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề thiếu lương thực không chỉ cho người dân tại Bangkok, mà còn ở các khu vực khác của Thái Lan, đặc biệt là những vùng đang thực hiện các biện pháp phong tỏa do ảnh hưởng.
Ở cấp quốc gia, nhóm chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đang làm việc với các chính phủ và các đối tác quốc tế để giám sát chặt chẽ các chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm trong nước, cũng như tình trạng mất việc làm và thu nhập đang ảnh hưởng như thế nào đến khả năng mua thực phẩm của người dân; đồng thời đảm bảo rằng hệ thống cung ứng lương thực tiếp tục hoạt động bất chấp COVID-19.
Cụ thể, tại Bhutan, WB đã điều chỉnh lại một số danh mục đầu tư để hỗ trợ phân phối lương thực cho người dân trong ngắn hạn và tăng cường sản xuất lương thực trong trung hạn thông qua cung cấp đầu vào và xây dựng hệ thống tưới tiêu.
Tuy nhiên, bà Abby Maxman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Oxfam Mỹ khuyến nghị, thay vì đưa ra các biện pháp đối phó đơn lẻ, các quốc gia cần phải chấm dứt cuộc khủng hoảng đói nghèo bằng cách cung cấp nguồn tài chính cho các nước nghèo và kém phát triển, đồng thời tiếp tục tăng cường chia sẻ vaccine phòng COVID-19 để giúp các cộng đồng ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh để xây dựng tương lai an toàn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận