"Công ty giang hồ"
Tôi từng mua được một sim điện thoại số đẹp, giá ưu đãi. Vừa kích hoạt sim thì liên tục bị nhận cuộc gọi đòi nợ.
Tất cả đều xưng là người bên công ty tài chính F., ban đầu là nhắc trả nợ, sau đó thì gằn giọng, chửi thề và hăm dọa. Khó mà tin có công ty nào làm ăn kiểu "xã hội đen" như vậy, nhưng thực tế là có. Hỏi ra thì biết sự tình: chủ nhân số điện thoại tôi đang dùng đã vay tiền bên ấy, chắc là bỏ sim vì bế tắc. Tôi quá ngán, cũng bỏ luôn để tránh phiền hà.
Qua nay, hàng loạt văn phòng của F88 bị công an khám xét, rất nhiều người lên mạng comment hoan hô, kể họ cũng là nạn nhân của việc đòi nợ kiểu khủng bố.
Tình trạng đòi nợ trái luật đã nở rộ nhiều năm qua. Có mấy nguyên nhân chính: Một là, hình thức vay tín chấp, lãi suất (cộng các loại phí) rất cao, vì vậy nên nguy cơ "bể kèo" lớn. Khi bên vay lún sâu thì khoản vay thành nợ khó đòi; khó đòi thì phải tìm đủ cách, trong đó thấy dùng bạo lực có thể giải quyết được nên các công ty cho vay thuê mướn bên ngoài để đòi.
Hai là, theo Luật Đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc nhóm ngành nghề bị cấm. Để che mắt, các đối tượng đã lập doanh nghiệp đội lốt công ty tài chính, tư vấn pháp luật hay mua bán nợ và tuyển dụng rầm rộ "nhân viên" vào chỉ làm mỗi việc gọi điện, nhắn tin, viết status, gửi email… đòi nợ. Kiểu hoạt động giả vờ hiền lành này làm ăn được, nhất là qua mặt được các cơ quan chức năng trong thời gian dài. Thủ đoạn của chúng rất kinh hoàng: khủng bố tinh thần con nợ và cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ; cắt ghép hình ảnh con nợ hoặc thân nhân họ vào hình ảnh/ nội dung dung tục, phạm luật, chết chóc để bêu riếu trên mạng xã hội; thuê người chở quan tài và vòng hoa tới chỗ ở con nợ, thậm chí là chặn đánh giữa đường. Mục đích duy nhất là lấy được tiền, nhân viên đạt doanh số càng lớn thì được chia phần trăm càng nhiều. Người ta gọi đó là những "công ty... giang hồ"! Con nợ chịu nhục không nổi, hoặc là xoay trở mọi bề kiếm tiền mà trả cho yên thân, còn không thì - một số trường hợp cùng đường đã tìm đến cái chết.
Vay nợ là hoạt động dân sự, quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay được ràng buộc bởi hợp đồng hoặc thỏa thuận khác, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự. Pháp luật bảo hộ bên cho vay lẫn bên vay, khi phát sinh tranh chấp thì phải giải quyết bằng pháp luật, nơi giải quyết là tòa án. Với vay tín chấp, bên cho vay ăn đậm nhờ lãi suất cao thì cũng phải chịu rủi ro cao, đó là quy luật thị trường. Chúng ta không đồng tình với việc gạt nợ nhưng cũng không chấp nhận bên cho vay tùy tiện hành xử côn đồ, xiết nợ, đòi đoạt mạng bên vay và cả những người thân, bạn bè chẳng hề liên quan khoản vay ấy. Đó là dấu hiệu của những tội hình sự "Cưỡng đoạt tài sản", "Đe dọa giết người", phải bị nghiêm trị.
Mấy tháng gần đây, công an các tỉnh - thành liên tục triệt phá những công ty đòi nợ thuê với hình thức cưỡng đoạt tài sản, có hành vi đe dọa giết người. Chắc hẳn còn nhiều, muốn chặn tận gốc thì cần xử lý tới nơi tới chốn cả những bên bỏ tiền ra thuê các "công ty giang hồ" đòi nợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận