Công ty có chủ tịch và 7 lãnh đạo từ nhiệm trong 1 ngày, cổ phiếu vẫn 'bùng nổ'
Minh Khang Capital chỉ có 3 nhân viên, nhưng có tới 7 lãnh đạo và chủ tịch đồng loạt từ nhiệm trong một ngày. Đáng chú ý, cổ phiếu CTP lại liên tục tăng trần. Chuyện gì đang xảy ra với doanh nghiệp này?
Theo thông tin công bố từ CTCP Minh Khang Capital Trading Public (HNX: CTP), hôm 30/5 doanh nghiệp này nhận được đơn từ nhiệm của loạt lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty.
Đây là hiện tượng hiếm gặp trên thị trường chứng khoán, khi cả dàn lãnh đạo từ nhiệm chỉ trong vòng một ngày. Diễn biến cũng lạ ở chỗ, từ đầu tháng 6 tới nay, cổ phiếu doanh nghiệp này tăng mạnh 4 phiên và chỉ có 1 phiên đi ngang. Trong đó, có 2 phiên tăng trần, tương ứng 9,1% và 10%, và 2 phiên tăng mạnh.
Cổ phiếu CTP đã tăng từ mức 5.200 đồng/cp lên 6.800 đồng/cp chỉ trong vòng 5 phiên, tương đương tăng gần 31%.
Câu chuyện về việc Minh Khang Capital Trading Public nhận được 8 lá đơn từ nhiệm của dàn lãnh đạo cùng một thời điểm, trong đó có cả các thành viên trong ban kiểm soát, khiến giới đầu tư tò mò.
Các lãnh đạo xin từ nhiệm bao gồm: toàn bộ HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 gồm Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành (1979), Phó chủ tịch Lê Minh Tuấn (1982), thành viên độc lập Nguyễn Thị Thảo Nhi, hai thành viên HĐQT là Phan Mai Anh Tài và Khấu Minh Quân.
Bên cạnh đó là các thành viên Ban kiểm soát, gồm Trưởng ban Lê Thị Bích Ngọc cùng hai thành viên là Nguyễn Thị Thanh Phương và Nguyễn Thị Ngọc Mỹ.
Tất cả 8 lãnh đạo xin nghỉ vì “lý do cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhận”.
Theo quy định, các đơn từ nhiệm sẽ được xem xét và thông qua tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Dù vậy, thời gian tổ chức chưa được công bố. CTP chỉ mới chốt quyền tham dự vào ngày 20/5 và ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/5/2024.
Trước đó, giữa tháng 5/2024, chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành đăng ký thoái toàn bộ 1,54 triệu cổ phiếu CTP trong giai đoạn từ 16/5-10/6. Phó chủ tịch Lê Minh Tuấn cũng đăng ký thoái toàn bộ 231.300 cổ phiếu trong thời gian trên. Ước tính, hai ông này thu về khoảng 9 tỷ đồng.
Hồi đầu năm 2024, ông Thành cũng bán hơn 1,3 triệu cổ phiếu CTP và giảm tỷ lệ sở hữu từ 23,76% (2,88 triệu cổ phiếu) xuống còn 12,74%.
Còn tháng 11/2023, cơ cấu cổ đông của CTP có sự biến động mạnh. Loạt cổ đông lớn như CTCP Mingcha, CTCP Đầu tư Landmarks, sau đó là ông Nguyễn Lê Việt Hùng - tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Mingcha... thay nhau thoái vốn.
Hoạt động thoái vốn gần đây diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu CTP vào đà tăng mạnh, từ mức 3.300 đồng/cp hồi giữa tháng 3 lên mức 6.000 đồng/cp như hiện tại. Còn đợt thoái vốn hồi tháng 11/2023 diễn ra sau khi CTP tăng 60% từ đáy hồi 4/2023, lên quanh 4.500 đồng/cp.
Về kinh doanh, Minh Khang Capital cũng có kết quả hoạt động khá kỳ lạ. Từ năm 2019 trở về trước, doanh nghiệp này có doanh thu khá cao, hàng trăm tỷ đồng và lợi nhuận vài tỷ cho tới 20 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, lợi nhuận suy giảm mạnh, có năm lãi chỉ vài chục triệu đồng.
CTP tiền thân là CTCP Cà phê Thương Phú, thành lập năm 2010 tại Quảng Trị. Công ty này chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm cà phê, cũng như buôn bán sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, CTP ghi nhận hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản.
Hiện tượng lãnh đạo đồng loạt thoái vốn và từ nhiệm ở các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thường diễn ra khi có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông hoặc/và tái cấu trúc.
Có thể thấy, các cổ đông lớn của CTP như Mingcha, Đầu tư Landmarks đều liên quan đến dàn lãnh đạo.
Hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp cũng thường gắn với những đợt cổ phiếu tăng mạnh trên thị trường chứng khoán theo đà tăng chung trên thị trường hoặc/và những diễn biến riêng tại doanh nghiệp.
Đại diện một công ty chứng khoán cho biết, ngoài hai trường hợp trên, còn có trường hợp một số nhóm thường hay đi mua công ty có cổ phiếu thị giá cực thấp, giá một vài nghìn đồng và có rất ít giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo đại diện này, gần đây có hiện tượng một số đối tượng tấn công (hoặc lừa) để chiếm đoạt tài khoản của nhiều nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán. Hacker không thay đổi mật khẩu và chỉ theo dõi các tài khoản này, có thể một lúc nào đó đồng loạt kích hoạt mua nhắm vào một số mã cổ phiếu nào đó, có thể là các mã cổ phiếu rác đã được kéo giá lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận