Công ty chứng khoán vào đường đua mới và cơ hội cho tay đua trẻ
Dòng tiền mới của nhà đầu tư F0 như con nước lớn kéo các công ty chứng khoán “từ ao nhỏ ra sông cái”, vào đường đua rộng lớn hơn nên các tay đua dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội tăng tốc.
"Ông lớn lo hụt hơi, ông trẻ lo bứt phá"
Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán hiện giao động từ 35.000 đến 56.000 tỷ đồng, đã tăng gấp đôi so với con số bình quân 24.000 tỷ đồng/phiên của 9 tháng đầu năm nay, cao gấp 10 lần so với giá trị giao dịch bình quân của năm 2019. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu trong 9 tháng đầu năm 2021 của các công ty chứng khoán chỉ tăng từ 50% đến tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 10 tháng đầu năm 2021, có hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, cao hơn tổng số tài khoản mở mới trong cả 4 năm từ 2017 - 2020. Có hơn 3,86 triệu tài khoản được mở thì 99% tài khoản của nhà đầu tư trong nước còn khoảng 1% là của nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, nếu không làm thủ tục tăng vốn gấp, các công ty chứng khoán lớn có thể sẽ bị hụt hơi. Quý III/2021, top 10 công ty có thị phần cao nhất chiếm 57% thị phần trên HOSE, thấp hơn tỷ lệ 64,5% thị phần của năm 2020. Chỉ có VPS tăng gấp đôi thị phần so với năm 2020, vươn lên vị trí dẫn đầu, còn các công ty đều có thị phần giảm nhẹ trên dưới 1 điểm phần trăm hoặc đi ngang trong 3 quý năm 2021.
Mới đây, SSI đã công bố tăng vốn khủng lên 15.000 tỷ đồng sau khi vừa hoàn tất đợt tăng vốn từ hơn 6.000 tỷ đồng lên hơn 9.247 tỷ đồng trong quý III/2021. VNDIRECT (VND) cũng tổ chức ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông phát hành thêm quyền mua cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, ngay sau khi cổ đông vừa mua tỷ lệ 1:1 trong quý III vừa qua.
Trước đó, trong năm 2020, nhiều công ty chứng khoán cũng đã thực hiện tăng vốn nhưng mức tăng còn thấp hơn nhiều so với mức tăng của thanh khoản thị trường tính đến thời điểm này.
Như vậy, các công ty trong top 10 đang lo nâng cao năng lực tài chính và các năng lực khác để có thể giữ được thị phần. Trong khi đó, các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ đã nhanh chóng tăng vốn với tốc độ rất nhanh để dành lấy một phần trong “miếng bánh lớn” hơn 33% thị phần môi giới, đang tăng trưởng còn lại.
Nhiều công ty chứng khoán gần như không có hoạt động nổi trội nhiều năm qua thì trong 9 tháng năm 2021, đã tăng vốn mạnh mẽ như TVSC tăng từ 1.080 tỷ đồng lên 2.640 tỷ đồng, ORS từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, ACBS tăng 1.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Ở CTCK quy mô nhỏ hơn tốc độ tăng vốn còn khủng hơn như HRS từ 110,5 tỷ đồng đầu năm đã tăng lên 1.000 tỷ đồng; DNSE từ 160 tỷ đồng cũng tăng lên 1.000 tỷ đồng, AAS từ 310 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, ABBS tăng từ 397 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, TVB từ hơn 550 tỷ đồng lên 1.080 tỷ đồng...
Trong đó, với việc đẩy mạnh mảng môi giới khi việc tuyển thêm gần 300 môi giới và nhân viên chăm sóc khách hàng, AAS cho biết, Công ty chắc chắn sẽ cần phải tăng vốn thêm nữa từ mức 800 tỷ đồng như hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, các kế hoạch tăng vốn vẫn tiếp tục được công bố như APG tăng vốn lên 1.460 tỷ đồng, Chứng khoán Thành Công (TCI) nâng vốn điều lệ lên gấp đôi là 1.000 tỷ đồng, Chứng khoán APEC (APS) tăng từ 1.660 lên 3.200 tỷ đồng.
Tăng vốn sẽ còn tiếp diễn và khả thi khi các công ty đều đạt được lợi nhuận cao trong năm 2021, đồng thời, hứa hẹn mức chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao.
Mở ra chu kỳ tăng trưởng mới
Một số yếu tố dự báo, việc tăng vốn của khối công ty chứng khoán là tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Thứ nhất, các nhà đầu tư mới (F0) tham gia vào thị trường giai đoạn 2020 - nửa đầu năm 2021 đang tập làm quen dần với các biến động thị trường và sử dụng margin nhiều hơn. Điều này dẫn đến tần suất căng margin xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt trong tháng 11/2021.
Căng margin không chỉ ở nhiều công ty chứng khoán lớn, mà còn cả ở một số công ty chứng khoán nhỏ cũng vay tỷ trọng đòn bẩy lớn. Ngay cuối tuần trước, VCBS đã phải gửi thông báo tới cổ đông về việc tạm ngừng dịch vụ ứng trước ngày 19/11/2021 do vấn đề hạn mức nguồn vốn.
Tuy nhiên, căng margin không còn nhiều ảnh hưởng bởi dòng tiền mới vào thị trường tăng cao hơn nguồn vốn margin được bơm vào thị trường do các công ty chứng khoán không tăng vốn kịp. Nguyên nhân có thể là do đông đảo nhà đầu tư F0 chưa biết hay chưa dám dùng margin, hoặc một số mã tăng nóng thời gian qua không được các công ty chứng khoán cấp margin, hoặc chỉ cấp cho số ít khách hàng. Nhưng, nhu cầu vốn margin sẽ tăng lên sau khi F0 học hỏi đầu tư và theo xu thế sẽ làm quen, sử dụng đòn bẩy tài chính.
Thứ hai là hệ thống giao dịch KRX đã hoàn thành kiểm thử giữa công ty chứng khoán và sở giao dịch chắc chắn sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022. Đây cũng là điều kiện để vận hành Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central counter Party - CCP).
Với việc áp dụng mô hình CCP, nhà đầu tư hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề “phải có đủ 100% tiền trước khi giao dịch” (cơ chế prefunding) như hiện tại, được thay bằng 1 tỷ lệ ký quỹ thấp hơn (theo quy định của từng thành viên bù trừ, tức công ty chứng khoán với nhà đầu tư). Khi đó, “nút thắt” quan trọng của nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi theo chuẩn MSCI và FTSE sẽ được gỡ bỏ.
Hệ thống giao dịch chứng khoán mới cũng mở ra khả năng triển khai thành công các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, và các sản phẩm phái sinh mới, từ đó thu hút thêm dòng tiền trong và ngoài nước đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital dự đoán, hy vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường MSCI FM( Frontier Markets) đi vào thị trường MSCI (Emerging Markets). Khi vào thị trường Emerging Markets thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay.
Dư địa tăng trưởng lớn của thị trường chứng khoán đã mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho các công ty chứng khoán sau giai đoạn trầm lắng trước đây.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (mã AAS) chia sẻ, sau giai đoạn tích lũy nguồn lực tài chính, nguồn lực nhận sự cấp cao với kinh nghiệm, kiến thức và sức chiến đấu cao cũng như đầu tư mạnh cho hạ tầng công nghệ, AAS tự tin tham gia cạnh tranh trên thị trường môi giới chứng khoán bằng dịch vụ có chất lượng cao, chi phí hợp lý.
Chiến lược của Smart Invest là thu hút nhân sự trực tiếp chăm sóc và tư vấn cho khách hàng đầu tư chứng khoán với hoa hồng môi giới ở mức cao nhất thị trường (85%), lãi suất margin thấp nhất thị trường từ mức 5%/năm.
Hệ thống giao dịch tự động tích hợp cảnh báo mua bán tự động (Robo Advisor) bám sát giá kỹ thuật theo dạng real time cho phép nhà đầu tư ra quyết định nhanh chóng khi Robo ra tín hiệu. Đây là sản phẩm độc đáo và duy nhất trên thị trường hiện nay mà Smart Invest sẽ cung cấp cho nhà đầu tư.
“Chúng tôi nhìn thấy thời cơ phát triển và sự tham gia của Smart Invest làm đa dạng dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường”, ông Tuấn nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận