"Cơn khát bill" Của SBV khi nào sẽ chấm dứt?
Sau 4 tháng tăng trưởng ấn tượng gần 17% với đầu tàu là nhóm ngành ngân hàng, tuy nhiên bước vào T03/24 thị trường đã chững lại rõ rệt.
Nguyên nhân đến từ áp lực giá vàng tăng cao khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) phải bán ra 75 nghìn tỷ đồng tín phiếu (tính đến hết ngày 15/03) với lãi suất đấu thầu 1.38%/năm – 1.4%/năm nhằm ổn định tỷ giá USDVND. Với việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên thị trường liên ngân hàng, có thể dấy lên lo ngại về lực cầu trên thị trường chứng khoán sẽ suy giảm phần nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc hút tín phiếu của SBV chỉ nhằm mục tiêu xoa dịu tỷ giá ngắn hạn chứ không thể dẫn đến đảo chiều chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
1. Hiện tượng đầu cơ vàng gây áp lực lên tỷ giá
Những năm gần đây, ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, đẩy mạnh mua vàng trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và bất ổn địa chính trị đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Vàng cũng được hỗ trợ bởi triển vọng trung và dài hạn khi Fed đảo ngược xu hướng lãi suất. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế dự báo giá vàng sẽ tăng trong năm nay, Goldman Sachs tin rằng giá vàng sẽ đạt $2,500/ounce hoặc $3,000/ounce trong tương lai gần. Và trong vòng 6 tháng tới, giá vàng sẽ tăng và tăng mạnh nhất trong 2H24, bởi hầu như năm nào kim loại quý cũng tăng giá vào thời điểm cuối năm, đặc biệt khi lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed rõ ràng hơn vào 2 quý cuối năm.
Việc giá vàng thế giới tăng mạnh sẽ làm khuếch đại mức tăng của giá vàng trong nước vì vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua là “chiếc bình thông nhau” giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang bị tắt nghẽn. Hiện nay, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới và giá mua vào vẫn cao hơn so với giá bán ra. Nhiều năm qua, SBV không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC do các nhà điều hành lo ngại việc “vàng hóa nền kinh tế”. Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 15/02 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu SBV khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới và dự kiến sẽ hoàn thành trong T04/24.
2. Vai trò của đồng Yen sẽ kìm hãm đà tăng của giá vàng
Kể từ khi trở thành đồng tiền chính thức của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 1971, đồng Yen luôn đóng vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu cùng với USD, EUR và GBP. Đây cũng là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thị trường ngoại hối.
Vàng và JPY đều đóng vai trò là tài sản trú ẩn an toàn. JPY và vàng biến động chặt chẽ với nhau vì cặp JPYUSD và vàng đều chịu tác động bởi lãi suất thực. Kể từ đầu năm Năm 2016, biểu đồ tỷ giá JPYUSD trông giống như hình ảnh phản chiếu của cặp XAUUSD (Figure 1). Vào ngày 15/03/2017, Fed tăng lãi suất, đồng Yen và vàng đã di chuyển như 2 đường song song (Figure 2). Đây là lý do tại sao thường có mối tương quan dương giữa đồng Yen và vàng: cả hai tài sản đều có mối tương quan âm với đồng dollar và cả hai đều được coi là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, đây không phải là một mối tương quan hoàn hảo. Điều này là do vàng không chỉ đơn thuần là một giải pháp thay thế cho đồng dollar mà còn cho hệ thống tiền tệ hiện tại dựa trên các loại tiền tệ pháp định. Do đó, trong một số trường hợp đồng Yen và đồng Dollar có thể cùng mất giá (hoặc tăng giá) so với vàng.
3. Kỳ vọng gì trong kỳ họp tuần sau của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ)
Tại cuộc họp gần nhất, BoJ đã thảo luận về khả năng thoát khỏi chính sách lãi suất âm (Negative Interest Rate Policy – NIRP) kể từ năm 2016 và là lần đầu tiên tăng lãi suất sau 17 năm, khi các nhà hoạch định chính sách tin rằng các điều kiện về tiền lương và lạm phát để xoay trục chính sách tiền tệ đã “ngày càng được đáp ứng”. Kể từ đó, dữ liệu kinh tế đã củng cố thêm cho nhận định này, khi mức tăng lương của Nhật Bản cao hơn dự kiến của các chuyên gia trong T01/24 (2.0% so với 1.3%), trong khi nền kinh tế Nhật Bản đã vượt qua được suy thoái kỹ thuật.
BoJ đã duy trì chi phí vay ở mức cực thấp để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng như kích thích nền kinh tế. Trong khi tỷ lệ lạm phát của đất nước này vẫn tăng cao chủ yếu do chi phí nhập khẩu cao hơn, BoJ đã nới lỏng kiểm soát lãi suất dài hạn trong những tháng gần đây để chúng phản ánh tốt hơn các điều kiện kinh tế. Lợi suất Trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm (JGB) hiện có thể tăng trên 1.0%.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ của BoJ được đưa ra dưới thời cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda, đã tạo thành trụ cột chính của chương trình thúc đẩy nền kinh tế Abenomics, giúp cho thị trường chứng khoán tăng mạnh và làm suy yếu đáng kể đồng Yen. Kết quả là, bảng cân đối kế toán của BoJ đã mở rộng đáng kể và hiện họ sở hữu khoảng một nửa số trái phiếu Chính phủ Nhật Bản đang lưu hành sau các đợt mua mạnh mà họ cho rằng nhằm mục đích đạt được lạm phát ổn định.
Vì vậy, nếu quyết định đảo chiều chính sách tiền tệ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 19/03 tới đây, điều này có thể tạo ra nhiều xáo trộn trên thị trường ngoại hối, đặc biệt là tác động đến giá vàng. Trong bối cảnh lãi suất đồng Yen tăng lên điều này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, khi nhà đầu tư có thể dịch chuyển sang tài sản có lãi suất cao hơn.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất của BoJ cũng có thể làm giảm căng thẳng tỷ giá tại thị trường Việt Nam. Như chúng ta đều biết tình trạng đầu cơ đồng Yen tại nước ta không mạnh mẽ như tình trạng đầu cơ vàng vì vậy tôi kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp kìm hãm sức nóng của tỷ giá trong thời gian qua và SBV có thể sẽ ngưng hút bill sau 5 phiên liên tục (từ ngày 11/03-15/03). Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng nhà đầu tư có thể phải chờ đợi đến sáng ngày 25/03, thời điểm biên bản cuộc họp BoJ vào tuần sau được công bố, mới chứng kiến dòng tiền lớn quay lại thị trường.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận