Cổ tức: Câu chuyện dài của ngân hàng
Cổ tức dường như không còn là điểm nóng tại mùa ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay, bởi lẽ dịch Covid-19 trở thành “lá chắn” hữu hiệu khi các ngân hàng chốt cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận để đảm bảo an toàn tài chính cho ngân hàng.
Trước đây, vấn đề cổ tức luôn là điều quan tâm hàng đầu của các cổ đông khi đến mùa ĐHĐCĐ. Lẽ dĩ nhiên, các “ông chủ” luôn quan tâm đến lợi tức mà mình thu được khi “đầu tư” vào ngân hàng. Nhưng không hẳn việc chia cổ tức như thế nào, bao nhiêu là điều chỉ riêng nhà băng có thể quyết định được.
Ngay từ năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành, các ngân hàng càng cần phải bảo toàn vốn để “ứng cứu” kịp thời cho nền kinh tế. Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng nêu rõ trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Thay vào đó, NHNN khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (VCB, BID, CTG) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho biết cổ tức cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh trong năm 2021 được hỗ trợ bởi Nghị định 121/2020, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 50%. Cần lưu ý rằng TCB, VPB và STB không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu kể từ 2018. Trong khi đó, tại hầu hết các ngân hàng TMCP, tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn so với quá khứ do NHNN không cho phép trả cổ tức tiền mặt trong 2020 và 2021. SSI Research nhận thấy một số ngân hàng tư nhân (HDB, MSB, LPB…) đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong 2020 và có thể trả cổ tức cổ phiếu.
Thực tế những gì đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2021 năm nay, hầu hết ngân hàng đều trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn.
MB là nhà băng có kế hoạch chi trả cổ tức 2020 cao nhất với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu. Chi trả cổ tức 2020 là 1 trong 3 phương án dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 27,988 tỷ đồng lên 38,676 tỷ đồng trong năm 2021 của MB đã được thông qua.
ĐHĐCĐ 2021 của MSB cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu. Dự kiến, sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MSB sẽ đạt 15,221 tỷ đồng. Đại diện MSB chia sẻ tại Đại hội: “Bên cạnh việc luân chuyển nguồn vốn của Ngân hàng nhằm bổ sung vào nguồn vốn trung dài hạn, việc MSB chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đảm bảo và hỗ trợ tốt cho các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế như Basel II và đang hướng tới Basel III”.
Khi được hỏi về kế hoạch chia cổ tức, Chủ tịch HĐQT Sacombank – ông Dương Công Minh cho biết HĐQT hứa cố gắng tái cơ cấu thành công trong 5 năm, dự kiến đến năm 2022 trở về trạng thái bình thường, thì đầu năm 2023 sẽ có thể chia cổ tức. Sacombank cũng dự kiến chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và hiện chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.
Là nhà băng có mức chi trả cổ tức cao nhất năm 2019, đến nay, HDBank (HDB) cũng dự định chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% trên nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2020 sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ năm 2021. Vốn điều lệ của HDBank được dự kiến tăng từ mức 16,088 tỷ đồng (31/12/2020) lên mức gần 20,111 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, HDBank sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn (2,000 tỷ đồng) và phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của Ngân hàng.
Trong khi đó, nhiều nhà băng quyết định không chia cổ tức nhằm giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho các nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới dù kết quả kinh doanh trong năm 2020 và cả quý 1/2021 đều cho kết quả lợi nhuận khả quan như VPBank, Techcombank, TPBank…
Mục đích của việc giữ lại lợi nhuận?
Phân tích thêm một số lợi ích của việc không chia cổ tức, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế, đưa ra 2 khía cạnh.
Về phía ngân hàng, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu có lợi là giữ được lợi nhuận trong ngân hàng mà không phải chia ra, cổ đông nhận được cổ phiếu bằng giá trị của phần họ nhận cổ tức thay vì tiền mặt. Ngân hàng vừa giữ được tiền và vừa giúp tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên, tăng được hệ số an toàn vốn.
Còn về phía cổ đông, có rủi ro là thay vì họ nhận tiền mặt, thì bây giờ chỉ nhận được cổ phiếu mà thôi. Nếu trong tương lai, cổ phiếu tăng thì thuận lợi cho cổ đông vì tài sản của họ gia tăng và ngược lại.
Nhìn chung, tại thời điểm này, ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận mà không chia tiền mặt cho cổ đông vì tình hình nợ xấu nghiêm trọng. Chính vì thế ngân hàng cần phải giữ lại lợi nhuận, không chia ra cho cổ đông. Đồng thời, theo Thông tư 41, tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo 8%, để đạt được chỉ tiêu này, ngân hàng cần phải có vốn chủ sở hữu cao và phù hợp để đạt được tỷ lệ này.
Thời gian qua, cổ phiếu nhóm ngân hàng liên tục dẫn sóng thị trường chứng khoán và đang trên đà trở lại thời hoàng kim, thì việc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng hoặc nhận thêm cổ tức bằng cổ phiếu dường như không quá làm buồn lòng nhà đầu tư như thời gian trước. Rõ ràng, chỉ so với đầu năm, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng phi mã (VPB, LPB, STB…) và việc ngân hàng tăng vốn (chi trả cổ tức hoặc phát hành thêm) cũng sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm 2021.
Tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 của các ngân hàng và dự kiến cổ tức năm 2021
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận