Có thật là Putin tấn công Ukraine để ngăn chặn NATO?
Khi xua quân xăm lăng Ukraine, Putin tuyên bố Nga làm thế là nhằm để ngăn chặn NATO tiến về phía Đông. Không một đất nước nào muốn kẻ thù chĩa họng súng vào cửa nhà mình. Và Putin làm như thế để bảo vệ nước Nga, không còn cách nào khác. Rất hợp lý và Putin rất thức thời, nhìn xa trông rộng!
Đại đa số đều tin rằng đó là lý do thật sự của Putin. Rất nhiều người phê phán lãnh đạo Ukraine. Những kẻ thiếu văn hóa thì chửi rủa, mạt sát họ ngu xuẩn. Người có học thức thì nói họ ra quyết định sai lầm. Thậm chí có nhiều học giả, các chính trị gia nổi tiếng trên thế giới cho rằng quyết định gia nhập NATO đã kích hoạt cuộc tấn công của Nga.
Hơn ai hết, người dân và lãnh đạo Ukraine hiểu rõ mối hiểm nguy từ Nga nếu họ gia nhập NATO. Thế nhưng tại sao họ lại muốn gia nhập NATO? Có phải họ bị NATO và Mỹ chèo kéo, dụ dỗ để trở thành 1 con tốt trên bàn cờ chính trị? Hay họ bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc bài Nga?
Họ là người trong cuộc, chắn chắn họ biết rõ mọi việc hơn chúng ta vốn là những người bên ngoài nhìn vào hiện tượng mà phán xét, đánh giá. Họ chắc chắn phải có lý do nào đó? Ngoài ra, vì sao khi Latvia, Estonia, Litva là những nước thuộc Liên Xô cũ, có chung đường biên giới với Nga, gia nhập NATO vào năm 2004 mà Nga không có phản ứng mạnh mẽ như với Ukraine, mặc dù về bản chất thì NATO cũng chĩa họng súng vào Nga?
Đó chính là câu hỏi mà tôi trăn trở. Và tôi quyết định tìm hiểu. Tôi biết rằng mình không thể nhìn sự việc trên 1 khía cạnh đơn thuần là cuộc chiến giữa NATO – Ukraine - Nga mà phải nhìn từ những khía cạnh khác với 1 tư duy hệ thống. Tôi đặt 1 câu hỏi khác “có phải quyết định gia nhập NATO là lý do khiến Putin xua quân xâm lăng Ukraine?” để bắt đầu tìm hiểu bản chất của cuộc xâm lăng này.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần có cái nhìn toàn cục hơn và quan sát dòng chảy lịch sử.
Hãy nhìn vào biểu đồ lấy từ Ngân Hàng Thế Giới để so sánh sự phát triển kinh tế của Ukraine, Ba Lan, Belarus ở thời kỳ hậu Sô Viết. Sở dĩ tôi chọn Ba Lan vì họ tiếp giáp với Ukraine và nằm trên trục địa chính trị quan trọng ở châu Âu bao gồm Nga – Ukraine – Ba Lan – Đức - Pháp nếu nhìn từ Đông sang Tây. Belarus cũng là 1 đất nước có cùng biên giới với Ukraine, rất giống Ukraine. Nhưng điều quan trọng mà tôi chọn 3 quốc gia này là khi Liên Xô tan rã, thu nhập quốc dân trên đầu người (GDP per capita) của Ukraine, Belarus và Ba Lan gần tương đương nhau. Thậm chí lúc đó Ukraine có GDP per Capita cao nhất. Nhưng ở thời kỳ hậu Sô Viết, kinh tế Ba Lan phát triển mạnh mẽ. Belarus và Ukraine giật lùi. Mãi đến năm 2006, Ukraine mới trở lại mức 1991. Còn Belarus mất 8 năm. Chúng ta thấy Ba Lan phát triển nhanh chóng vượt xa 2 quốc gia láng giềng. Và Ukraine từ vị thế dẫn đầu đã trở thành kẻ chạy cuối cùng. Điều gì đã xảy ra?
Sau 1991, Ba Lan tiến hành liệu pháp kinh tế sốc, hoàn toàn xóa bỏ kinh tế kế hoạch, mở cửa toàn diện nền kinh tế, gia nhập NATO năm 1999, EU năm 2004. Việc Ba Lan gia nhập NATO khiến họ yên tâm trong việc bảo vệ lãnh thổ để tập trung phát triển kinh tế. Gia nhập EU giúp họ tăng trưởng vượt bậc về kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, Ukraine và Belarus phát triển èo uột mặc dù họ có rất nhiều tiềm năng. 2 nước đó trở thành những nước nghèo nhất châu Âu. Ukraine và Belarus bị Nga kiềm tỏa. Tại Belarus, Nga có 1 đồng minh trung thành là tổng thống Lukashenko, người tại vì từ năm 1994. Tại Ukraine, những lãnh đạo thân Nga nhiều lần nắm quyền.
Ukraine nhìn vào tấm gương của Ba Lan. Ukraine muốn gia nhập EU để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng Nga lại không muốn thế. Những nhà lãnh đạo Ukraine thân Nga thì không dám cãi lệnh Nga. Mãi đến năm 2012, Ukraine mới có thể khởi xướng thỏa ước gia nhập EU. Theo kế hoạch thì ngày 19/11/2013 thỏa thuận gia nhập sẽ được ký, nhưng Tổng Thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovych – một người Ukraine gốc Nga – đã đình chỉ việc ký kết chỉ 8 ngày trước khi lễ ký được diễn ra. Quyết định ngừng ký hiệp định này khiến nhiều người dân bất bình và đã dẫn đến sự kiện Euromaidan hay là Biểu tình ủng hộ EU. Cuộc biểu tình bùng phát bằng bạo lực khiến 77 người chết ở Kiev. Sự kiện này dẫn đến cuộc cách mạng Ukraine 2013–14. Vào tháng 2 năm 2014, Quốc hội Ukraine phế truất Yanukovych. Yanukovych chạy trốn sang Nga, trở thành công dân Nga và được Nga bảo hộ khỏi sự truy nã của Interpol.
Chứng kiến những gì xảy ra trong phong trào Euromaidan, mất đi chính phủ thân Nga, Putin quyết định hành động bằng cách chiếm đóng bán đảo Crimea cũng như hậu thuẫn phe ly khai ở vùng Donbass. Việc hậu thuẫn phe ly khai ở vùng Donbass hóa ra là 1 nước cờ chính trị vô cùng cao tay của Putin mà tôi sẽ phân tích phía dưới.
Chính những hoạt động xâm lăng này của Nga đã khiến cho Ukraine lo sợ và phẫn uất. Nga đã bội ước. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine thừa kế 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô và là nước cường quốc lớn thứ 3 về vũ khí hạt nhân chỉ sau Mỹ và Nga. Để ngăn ngừa hiểm họa hạt nhân, tất cả các nước thuyết phục Ukraine từ bỏ vũ khí quan trọng nhất của mình. Ngày 5/12/1994, Mỹ, Nga và Anh đã ký Bản ghi nhớ Budapest. Ukraine đã đồng ý loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình để đổi lấy sự đảm bảo của Nga về việc tôn trọng chủ quyền. Mỹ, Anh và Nga hứa sẽ không gây áp lực kinh tế đối với Ukraine, cũng như thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để hành động ngay lập tức trong trường hợp Kiev trở thành nạn nhân của một cuộc xâm lược vũ trang.
Nhưng chính cuộc xâm lăng của Nga vào Crimea đã khiến Ukraine thay đổi nhận thức. Họ từ 1 quốc gia hùng mạnh về quân sự trở thành 1 con mèo yếu đuối. Nga và các nước khác có thể tấn công họ bất kỳ lúc nào. Họ nhận thấy họ không thể bảo vệ đất nước một mình. Nhưng nếu tiếp tục đi với Nga thì “mèo vẫn hoàn mèo”, nghèo khó và lệ thuộc. Vì thế họ tìm kiếm cách liên minh với NATO. Năm 2019, Ukraine sửa đổi hiến pháp cho phép nước này gia nhập EU và NATO. Chính phủ mới của Ukraine đẩy nhanh tiến độ gia nhập EU và dự tính sẽ là thành viên chính thức vào năm 2030.
Nếu tiến trình gia nhập EU khá suôn sẻ thì viễn cảnh gia nhập NATO của Ukraine rất mờ mịt. Nhiều nước NATO, đặc biệt là Pháp và Đức, phản đối vì e ngại phản ứng của Nga. Họ hiểu rằng "An ninh của châu Âu không được đảm bảo nếu không đảm bảo an ninh cho Nga" như phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ngoài ra để gia nhập NATO, theo điều lệ, các quốc gia phải thực sự là 1 nước dân chủ và không có "các tranh chấp lãnh thổ bên ngoài chưa được giải quyết". Lúc này chúng ta mới hiểu được lý do vì sao Putin dựng lên vùng ly khai Donbass. Chỉ cần vùng Donbass nã vài quả đạn pháo, gây hấn thì lập tức xuất hiện cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ukraine. Đó chính là thế cờ cao tay mà Putin đã đi trước Ukraine và NATO một bước. Vì vậy trên thực tế, Ukraine hầu như không thể gia nhập NATO nếu không giải quyết được vùng ly khai. Nhưng đụng vào vùng ly khai thì chạm đến Nga. Hiểu rõ những khó khăn này, tổng thống Volodymyr Zelensky thậm chí còn cân nhắc tổ chức trưng cầu dân ý, để hợp thức hóa việc ngăn Ukraine gia nhập NATO theo đúng yêu cầu của Nga.
Như vậy, hơn ai hết Putin hiểu rõ rằng Ukraine không có cửa gia nhập NATO. Rõ ràng là quyết định gia nhập NATO của Ukraine không phải là lý do khiến Putin xua quân xâm lăng. Nhưng vì sao ông ta vẫn động binh dưới chiêu bài ngăn chặn NATO?
Sự thật như thế nào thì lịch sử sẽ cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng.
Tổng kết lại
- Sau khi Liên Xô tan rã thì nền kinh tế Ukraine phát triển èo uột
- Ukraine muốn gia nhập EU thì bị lực lượng thân Nga cản trở
- Dân Ukraine lật đổ chính quyền thân Nga
- Nga bội ước thỏa thuận Budapest, đưa quân chiếm đóng bán đảo Crimea và lập vùng ly khai Donbass
- Ukraine quyết gia nhập NATO để bảo vệ mình.
- Putin lấy cớ Ukraine quyết định gia nhập NATO để tấn công dù rằng việc Ukraine gia nhập NATO là hầu như không thể.
Hy vọng bài viết này bổ sung thêm 1 góc nhìn về cuộc xâm lăng của Nga.
Chúng ta thay vì nghe ngóng 1 chiều, thấy sự kiện mà đánh giá thì hãy tìm hiểu và phân tích.
Cầu mong hòa bình đến với Ukraine!
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường