Cổ phiếu than lầm lũi bứt tốc
Trước những đợt sóng tăng mạnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dầu khí,… nhà đầu tư dường như đang “bỏ quên” sự bứt phá thầm lặng của nhóm cổ phiếu than.
Tuần qua, thị trường tiếp tục tăng điểm với thanh khoản được cải thiện. Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 25/6 đến 2/7, VN-Index tăng 30,15 điểm, tương đương 2,2% lên 1.420,27 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 13,1% lên 117.364 tỷ đồng, nhưng khối lượng giao dịch giảm 0,7% xuống 3.391 triệu cổ phiếu.
Cùng với đó, HNX-Index tăng 9,79 điểm, tương đương 3,1% lên 328,01 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 8% lên 16.039 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4% lên 671 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tăng mạnh nhất thị trường tuần qua khi tăng gần 9,23%. Các mã lớn trong ngành như SSI tăng 7,82%, VCI tăng 9,4%, SHS tăng 8,99%… Đồng thời, nhóm cổ phiếu phân bón vẫn duy trì được đà tăng từ tuần trước như mã DPM tăng 4,19%, cổ phiếu LAS tăng 4,48%, hay BFC cũng tăng nhẹ 2,5%…
Đặc biệt, thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngành than có dấu hiệu tăng tốc ấn tượng. Điểm chung của các cổ phiếu này là đều niêm yết trên sàn HNX và do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV (Vinacomin) sở hữu trên 50% vốn.
Là cổ phiếu than tăng mạnh nhất trong tuần, mã TC6 của Công ty cổ phần Than Cọc Sáu đã tăng từ 5.900 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 25/6) lên 7.700 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 2/7), tương đương mức tăng 30,51%. TC6 đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp vào đầu tuần và giảm 3,7% vào phiên cuối tuần. Khối lượng giao dịch trung bình đạt 765.383 đơn vị/phiên.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I vừa qua, Than Cọc Sáu đạt doanh thu 381,7 tỷ đồng, giảm 60,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận khác tăng mạnh do thanh lý, nhượng bán tài sản cố định nên lợi nhuận sau thuế cuối kỳ vẫn đạt 1,93 tỷ đồng, suýt soát kết quả năm ngoái. Con số này đã chấm dứt chuỗi lỗ liên tiếp từ quý III và IV/2020 của TC6 (lỗ 16,3 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng).
Mã TVD của Công ty cổ phần Than Vàng Danh cũng có diễn biến tương tự với 3 phiên đầu tuần mang sắc tím. Đến phiên ngày 1/7, TVD giảm sàn 9,7% cắt đứt chuỗi tăng trần liên tiếp, cổ phiếu dừng ở mức 10.600 đồng/CP vào phiên cuối tuần với mức tăng trung bình là 23,26%. Thanh khoản cao nhất vào phiên ngày 28/6 với 1,27 triệu đơn vị.
Than Vàng Danh cho biết, điều kiện sản xuất của Công ty ngày càng xuống sâu hơn và vào xa hơn; điều kiện địa chất, thông gió, thoát nước phức tạp làm phát sinh thêm nhiều chi phí, giá thành sản xuất tăng cao.
Trong khi đó, việc tuyển dụng thợ lò gặp rất nhiều khó khăn; thời tiết dự báo diễn ra khó lường; giá cả đầu vào có xu hướng tăng cao trở lại; các chi phí bảo vệ môi trường, thuế, phí,… tăng cao gây nhiều khó khăn cho Công ty. Vậy nên trong quý I, lãi ròng của TVD chỉ đạt gần 12 tỷ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với mã HLC của Công ty cổ phần Than Hà Lầm, cổ phiếu tăng 21,74% trong tuần, nâng giá HLC từ 9.200 đồng/CP lên 11.200 đồng/CP. Giao dịch của mã này chỉ bắt đầu sôi động từ những phiên đầu tháng 6. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu HLC hầu như không có thanh khoản.
Trong quý I/2021, đơn vị này ghi nhận doanh thu đạt 680,5 tỷ đồng, giảm 11,7% so với quý I/2020; lợi nhuận sau thuế đạt 10,6 tỷ đồng, giảm gần 3%. Năm nay, Than Hà Lầm lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã hoàn thành 22,7% kế hoạch doanh thu và 24,7% kế hoạch lợi nhuận.
Cổ phiếu NBC của Công ty cổ phần Than Núi Béo cũng tăng 21,26% từ 12.700 đồng/CP lên 15.400 đồng/CP, thanh khoản trung bình đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên. So với các cổ phiếu cùng ngành, NBC tăng trưởng tương đối ổn định. Kể từ phiên ngày 4/1 đến nay, NBC đã tăng 140,6% với khả năng thanh khoản tốt.
Xét về tình hình kinh doanh, trong quý I vừa qua, doanh thu Công ty đạt 227,4 tỷ đồng, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái; song lợi nhuận sau thuế đạt 1,96 tỷ đồng, tăng 19,5% do năm 2021, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm theo Nghị định 68/2020 của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty cổ phần Than Núi Béo đang trong giai đoạn triển khai thực hiện và sẽ sớm hợp nhất với Công ty cổ phần Than Hà Lầm.
Ngoài ra, các mã khác cùng họ TKV cũng có sự tăng tốc đáng ghi nhận trong tuần, như Than Mông Dương (mã MDC) tăng 21,18%; Than Đèo Nai (mã TDN) tăng 19,78%; Than Hà Tu (mã THT) tăng 12,76%.
Cổ phiếu bứt tốc nhờ giá than toàn cầu tăng nóng
Cổ phiếu đang có diễn biến tương đối tích cực, nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp than vẫn chưa có sự chuyển mình rõ ràng. Dù doanh thu nghìn tỷ, lãi ròng đem về của các doanh nghiệp mỗi năm vẫn chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng. Do đó, trong suốt thời gian dài, nhà đầu tư dường như "ngó lơ" về tiềm năng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này.
Tuy nhiên, theo như phân tích của các đơn vị nghiên cứu, gần đây là báo cáo của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cổ phiếu than có chuỗi tăng mạnh thời gian qua do hưởng lợi từ sự tăng giá than trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.
Từ đầu tháng 6/2021, giá than cốc tại Trung Quốc tăng mạnh, có lúc tăng tới 6% do lo ngại nguồn cung than giảm, trong khi nhu cầu từ các nhà máy thép nước này hồi phục trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6, giá than cốc kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 4,5% lên 421,65 USD/tấn.
Trong khi đó, Indonesia - nước cung cấp than số 1 cho Trung Quốc đã giảm xuất khẩu xuống thấp hơn 15% so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát do bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn.
Ngoài ra, nhu cầu điện tăng mạnh trong giai đoạn mùa hè ở các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng thúc đẩy giá than ở Nam Phi có thời điểm lên 110 USD/tấn. Giá than nhiệt trung bình hàng tháng tại các cơ sở vận hành ở New South Wales đã tăng 78% kể từ tháng 9/2020.
Ở Australia, giá than nhiệt đã tăng cao kỷ lục trong 3 năm qua do nhu cầu mạnh đối với than chất lượng cao. Giá than đã lên tới 120 USD/tấn tại Thung lũng Hunter - nguồn cung cấp than chính của thế giới với than hàm lượng năng lượng trên 6000 kilocalories.
Ở châu Âu, giá than cũng được dự báo sẽ tăng do thời tiết năm nay lạnh hơn bình thường, nhu cầu về than sẽ tăng trong những tháng cuối năm, trong khi lượng than dự trữ đã sụt giảm.
Theo dự báo của James Stevenson, trưởng nhóm nghiên cứu về than, kim loại và khai khoáng thuộc IHS Markit Ltd. ở Houston, giá than có thể tiếp tục tăng mạnh trong quý IV/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận