Cổ phiếu tăng trần giữa “tin dữ”, Danameco kinh doanh ra sao?
DNM nằm trong những cố phiếu ít ỏi tránh được đợt càn quét trong phiên bán tháo 28/1. Dù kinh doanh trong lĩnh vực vật tư y tế, doanh thu quý IV vừa qua lại không đủ bù chi phí.
Trụ sở nằm giữa tâm dịch Đà Nẵng, nhưng với ngành nghề kinh doanh đặc thù với các sản phẩm khẩu trang, trang phục chống dịch..., cổ phiếu DNM của CTCP Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco lại trở thành một hiện tượng trên sàn chứng khoán hồi tháng 7-8/2020.
Khi “tin dữ” về các ca dương tính với Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh được công bố với quy mô ổ dịch được đánh giá là lớn nhất trong cộng đồng, cơn bão bán tháo một lần nữa “càn quét” thị trường chứng khoán – nơi được xem là hàn thử biểu phản ánh nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng tương tự lần bùng phát trước, cổ phiếu DNM lại ngược dòng nằm trong danh sách các cổ phiếu ít ỏi tăng giá, thậm chí tăng kịch trần.
Giá cổ phiếu DNM tăng 9,8% lên 40.500 đồng/cổ phiếu. Khối lựng giao dịch đạt 58.7000 cổ phiếu, ca hơn mức bình quân 10 phiên gần đây. Ở giai đoạn bùng phát dịch tại Đà Nẵng, giá cổ phiếu DNM đã có thời điểm tiến sát mốc 80.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá kỷ lục này tồn tại không lâu. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn cao gấp 2,7 lần thời điểm cách đây một năm.
Bước lùi quý IV
Thực tế, kết quả kinh doanh của Danameco cũng đã tăng lên mức kỷ lục với gần 239 tỷ đồng doanh thu và hơn 21 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2020. Ở khoảng thời gian này, nguồn cung các sản phẩm y tế còn hạn chế do chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư mới vào các dây chuyển khẩu trang như hiện tại. Đến các quý sau, quy mô doanh thu không còn duy trì được ở mức đỉnh này, giảm còn 207 tỷ đồng (quý III/2020) và 128 tỷ đồng (quý IV/2020). Với một loạt các khoản chi phí tăng lên, Danameco thậm chí còn lỗ hơn 310 triệu đồng trong quý IV vừa qua.
Nguyên nhân bởi tỷ suất lợi nhuận cũng giảm còn 10%. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng vọt do Danameco đẩy mạnh vay nợ ngân hàng. Bà Huỳnh Thị Li Li - Tổng giám đốc Danameco cũng cho biết chi phí đầu tư để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước cũng dẫn đến gia tăng các khoản chi phí.
Tuy vậy, nhìn lại cả năm 2020, Danameco vẫn kinh doanh khởi sắc với mức tăng trưởng lớn. Doanh thu bán hàng tăng 98% lên 705 tỷ đồng. Cùng đó, lợi nhuận sau thuế cũng cao gấp 3,63 lần năm trước, đạt hơn 31 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, Danameco đã vay tổng cộng 280 tỷ đồng, trong khi thời điểm đầu năm con số này chưa đến 70 tỷ đồng. Việc tăng huy động kênh tín dụng ngân hàng là do công ty đang đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất. Theo Tổng giám đốc Huỳnh Thị Li Li , cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế như Danameco. Nhưng lãnh đạo công ty này cũng từng thừa nhận việc đầu tư này làm cho Danameco có sự mất cân đối giữa tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn do sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư.
Quy mô vốn điều lệ của Danameco đến ngày 31/12 vẫn giữ nguyên ở mức 43,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 34% lên 116 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản vay ngân hàng đã khiến nguồn vốn vay công ty tăng nhanh. Tỷ lệ nợ hiện đã tăng từ mức 59% lên 76%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận