Cổ phiếu sàn UPCoM trỗi dậy: Một mã tăng 280%/tháng, 'ông lớn' tỷ USD 'phi nước đại'
Bên cạnh màn trình diễn "ngoại hạng" của BCA, cổ phiếu của nhiều "ông lớn" với vốn hoá hàng tỷ USD trên sàn UPCoM cũng tăng mạnh trong tháng vừa qua, cho thấy sự sôi động của sàn chứng khoán vốn được mệnh danh là "chiếu dưới" này.
Cổ phiếu sàn UPCoM trỗi dậy: Một mã tăng 280%/tháng, 'ông lớn' tỷ USD 'phi nước đại'
Tháng 2 tươi đẹp của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại. Hàng trăm cổ phiếu trên cả 3 sàn (HoSE, HNX và UPCoM) tăng trưởng hai chữ số, trong đó góp nhiều gương mặt nhất là các đại diện trên sàn UPCoM.
Mặc dù chỉ số UPCoM-Index "chỉ" tăng 3,3% trong tháng 2, kém hơn so với mức tăng 7,6% của chỉ số VN-Index nhưng số phiên tăng của UPCoM-Index nhiều hơn VN-Index. Cùng với đó, quán quân tăng giá tháng 2/2024 thuộc về một cổ phiếu trên sàn UPCoM.
Cụ thể, vị trí quán quân này thuộc về cổ phiếu BCA của Công ty Cổ phần B.C.H với mức tăng lên đến 276%, từ mức giá 6.700 đồng/cổ phiếu mở phiên 1/2 lên 25.200 đồng/cổ phiếu kết phiên 29/2. Thanh khoản khớp lệnh mỗi phiên cũng không phải thấp, đa số đều tiền tỷ.
Được biết, doanh nghiệp này hoạt động trong ngành thép, đã ghi nhận lợi nhuận đột biến trong năm 2023. Theo đó, năm 2023, doanh thu thuần của B.C.H đạt hơn 3.853 tỷ đồng, tăng 55% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 73,9 tỷ đồng. Cả doanh thu và lợi nhuận của BCA đều thiết lập mức đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Khoản lãi sau thuế gần 400 tỷ đồng của B.C.H không phải xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ việc thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần để sở hữu công ty con. Cụ thể, trong quý IV/2023, doanh nghiệp đã ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua rẻ. Công ty con được B.C.H mua cổ phần là Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang. Trước đó, trong quý II và quý III/2023, B.C.H đều thua lỗ.
Bên cạnh màn trình diễn "ngoại hạng" của BCA, cổ phiếu của nhiều "ông lớn" với vốn hoá hàng tỷ USD trên sàn UPCoM cũng tăng mạnh trong tháng vừa qua, cho thấy sự sôi động của sàn chứng khoán vốn được mệnh danh là "chiếu dưới" này.
Cái tên đầu tiên phải kể đến là MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Cổ phiếu này tăng tới 24% trong tháng 2/2024, từ mức giá 97.500 đồng/cổ phiếu lên 121.000 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hoá của Masan Consumer lên trên 86.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, suốt từ đầu năm 2024 đến nay, MCH chỉ ghi nhận vỏn vẹn 3 phiên giảm và tăng liên tục trong 10 phiên gần nhất. Thị giá MCH tính đến cuối tháng 2/2024 đã tiến sát đỉnh lịch sử 122.670 đồng/cổ phiếu thiết lập vào ngày 27/8/2021.
Đà tăng của MCH gắn liền với kết quả kinh doanh khả quan của Masan Consumer. Quý IV/2023, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận sau thuế hơn 2.300 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế cả năm 2023, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận sau thuế gần 7.200 tỷ đồng, thiết lập kỷ lục mới và tăng 30% so với năm 2022.
Song song với lợi nhuận kỷ lục, sức hấp dẫn của cổ phiếu MCH còn đến từ mức cổ tức tiền mặt cao duy trì trong nhiều năm qua. Với kết quả kinh doanh tăng mạnh, mức cổ tức tiền mặt trong tương lai có thể còn cao hơn nữa.
Diễn biến giá cổ phiếu MCH từ đầu năm 2024 đến nay
Không chỉ có Masan Consumer, cổ phiếu của doanh nghiệp vốn hoá tỷ USD và còn lớn hơn cả Masan Consumer cũng tăng phi mã trong tháng 2/2024, đó là VGI của Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) - doanh nghiệp chuyên đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel. Mức tăng trong tháng vừa qua của VGI đạt trên 18%, đưa giá trị vốn hoá của Viettel Global lên cỡ 100.000 tỷ đồng.
2023 là một năm kinh doanh khá tốt của Viettel Global với doanh thu thuần đạt trên 28.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Lợi nhuận trước thuế cũng đạt mức kỷ lục hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2022. Tuy nhiên, sau khi trừ thuế, mức lợi nhuận đạt được trong năm 2023 là gần 1.490 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 4% so với năm trước đó.
Cùng với VGI, một cổ phiếu "họ Viettel" khác là VTP của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng tăng mạnh gần 18% trong tháng 2/2024, khép lại hành trình trên sàn UPCoM bằng cái kết đẹp để chuyển sang giao dịch trên sàn HoSE.
Cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất trên sàn UPCoM là ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng ghi nhận màn trình diễn tích cực trong tháng vừa qua với mức tăng gần 10%. Hiện giá trị vốn hoá của "ông vua" sân bay này lên đến khoảng 180.000 tỷ đồng.
Khá nhiều cổ phiếu vốn hoá nghìn tỷ khác trên sàn UPCoM tăng trưởng 2 chữ số trong tháng 2/2024, trong đó có 1 đại diện của ngành ngân hàng là VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tăng 13,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường