[Cổ phiếu nổi bật tuần] TCM, từ cổ phiếu bị ghẻ lạnh đến phá kỷ lục giá
Trong cùng 1 năm, cổ phiếu TCM đang diễn ra 2 thái cực hoàn toàn trái ngược khi xuống dưới 9.000 đồng/cổ phiếu và rồi lại lập kỷ lục giá tuần qua. Hiện nhà đầu tư đang đặt cược TCM còn tăng sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Lập kỷ lục giá trong 8 tháng kể từ khi bị COVID-19 đánh sập
Trong tuần qua, cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã ghi nhận mức tăng rất tốt, tăng 9,3% từ 32.800 đồng/cổ phiếu lên 38.850 đồng/cổ phiếu. So với mức tăng 2,04% của VN-Index, TCM cũng là một trong những mã đã đánh bại thành tích tăng của chỉ số.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là TCM đã có mức giá kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với biểu hiện tệ hại của TCM trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát vào hồi tháng 3 năm nay. Thậm chí ở thời điểm đáy của dịch bệnh khi bị các CTCK đưa khuyến nghị kém tích cực TCM còn rơi xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi vượt đường MA200 vào đầu tháng 6, cổ phiếu này còn tăng tiếp 100% và thực sự khiến nhà đầu kịp bắt đáy TCM phải hài lòng vời thành quả lợi nhuận trong vòng 1 năm.
Hiện thị giá của TCM có thể chững lại và cần thời gian để kiểm nghiệm lại vùng đỉnh mới thiết lập được. Mọi dấu hiệu của TCM cho đến lúc này vẫn chưa phát đi dấu hiệu cảnh bảo nào. Hoạt động chốt lời đang được ghi nhận nhưng dường như bên nắm giữ cũng chưa để xảy ra cuộc tháo chạy hàng loạt nào.
Bầu cử tổng thống Mỹ là biến số bất ngờ khiến TCM leo đỉnh
Lợi nhuận 9 tháng 2020 vượt kế hoạch năm nhờ doanh thu mảng khẩu trang và đồ bảo hộ (PPE) của TCM. Theo đó, doanh thu thuần của TCM đạt 980 tỷ đồng (-3,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 85 tỷ đồng (+46,6% so với cùng kỳ).
Doanh thu đồ bảo hộ (PPE) đạt 4,9 triệu USD trong quý 3 (Quý 2: 15 triệu USD), chiếm 11,6% doanh thu thuần trong quý.
Lũy kế 9 tháng 2020, TCM đạt 2,7 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (-2,6% so với cùng kỳ) và 200 tỷ đồng lợi nhuận ròng (+30,8% so với cùng kỳ) - lần lượt hoàn thành 72% và 107% kế hoạch năm, vượt ước tính lợi nhuận sau thuế của SSI. Doanh thu PPE trong 9 tháng 2020 đạt gần 20 triệu USD, và chiếm 17% doanh thu thuần.
Doanh thu PPE rất hạn chế trong quý 3/2020 sau khi các khách hàng Mỹ tích trữ hàng tồn kho ngay khi đại dịch bắt đầu lắng xuống. Dù vậy, mảng kinh doanh liên quan đến COVID-19 vẫn đóng góp 11,6% doanh thu thuần trong quý. Nếu loại trừ doanh thu PPE, doanh thu bán hàng từ mảng truyền thống (may mặc, vải, sợi bông) giảm 15% so với cùng kỳ trong Q3/2020.
Tuy nhiên, nếu không có PPE, kết quả quý 3 của TCM có phần kém hơn các công ty cùng ngành đối với các sản phẩm may mặc truyền thống. Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vẫn giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ trong quý 3/2020 và -5% trong tháng 10.
Cơ cấu doanh thu chi tiết của các mảng truyền thống (sợi, vải, may mặc) không được công bố, nhưng mảng vải bán tốt hơn các mảng khác trong quý 3/2020 (doanh thu đi ngang so với cùng kỳ) do nhu cầu trong nước được cải thiện sau khi hiệp định EVFTA được thực thi gần đây, theo TCM.
Trong năm 2020, SSI ước tính TCM đạt 3,59 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (-1,6% so với cùng kỳ) và 270 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+25,1% so với cùng kỳ).
Theo lưu ý của SSI, việc xây dựng nhà máy may mới tại Vĩnh Long (công suất 10-12 triệu sản phẩm/năm, kế hoạch đầu tư 10 triệu USD) bị hoãn lại đến cuối năm 2021 so với kế hoạch khởi công trước đó là quý 4/2020.
Trong năm 2021, SSI ước tính TCM có thể đạt 3,64 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (+1,5% so với cùng kỳ) và 259 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-4,2% so với cùng kỳ). Theo mảng kinh doanh, doanh thu PPE ước đạt 4 triệu USD (-84% so với cùng kỳ) và doanh thu của các mảng truyền thống tăng 17,8% so với cùng kỳ (doanh thu 2020 của mảng này ước tính giảm 17,4% so với cùng kỳ).
Nhu cầu đối với vải trong nước có thể tăng lên trong những năm tới do tác động của EVFTA. Được biết, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, TCM đã nhận được thêm đơn đặt hàng vải trong nước (vì EVFTA yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi) nhằm phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu sang EU. Năm 2019, vải chiếm 15,6% trong doanh thu thuần trong khi TCM mới chỉ sử dụng khoảng 70% công suất sản xuất vải hiện tại. Theo TCM, thị trường EU chỉ chiếm 3% tổng doanh thu thuần của TCM trong năm 2019 và hiện đã tăng lên khoảng 4% -5%.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng định giá của một số nhà sản xuất hàng dệt may (TCM, TNG và STK) gần đây tăng khá mạnh sau khi ứng viên Joe Biden giành chiến thắng chức Tổng thống Mỹ, làm dấy lên hi vọng về khả năng Mỹ có thể xem xét lại việc tham gia TPP. TCM có thể là một trong những doanh nghiệp đầu tiên (cùng với STK) nhận được tác động tích cực từ sự kiện này (nếu nó xảy ra), vì đây là một trong số rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ từ khâu sợi trở đi theo hiệp định TPP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận