[Cổ phiếu nổi bật tuần] Dẫn dắt thị trường, SAB đã đến lúc phải kiểm tra lại ngưỡng MA200
Cổ phiếu SAB của Sabeco đã tăng mạnh nhưng tới lúc phải đương đầu với áp lực điều chỉnh. Vùng giá quanh 200 nghìn đồng/cổ phiếu sẽ quyết định xu hướng của SAB.
Cổ phiếu trụ cột trong tuần kéo VN-Index lên trên 871 điểm
Trong tuần vừa qua, VN-Index tăng 23,6 điểm (+2,78%) lên 871,21 điểm và trong đó đóng góp của mã SAB (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) lên tới 5,67 điểm tương đương 24,03% số điểm kiếm được của chỉ số trong tuần.
Dài hơn, SAB đã 8 phiên tăng giá liên tiếp, với mức tăng từ 157.000 đồng/cổ phiếu lên 206.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 31,21%.
Tuy nhiên, SAB đã vấp vào vùng kháng cự cũ sát ngưỡng 210.000 đồng/cổ phiếu nên rất có thể cổ phiếu này sẽ phải điều chỉnh ít nhất là để kiểm tra lại đường MA200 ở vùng giá 199.000 đồng/cổ phiếu.
Kịch bản tích cực cho SAB là cổ phiếu này sẽ giữ được nền giá trên ngưỡng MA200 và thanh khoản càng sụt giảm càng tốt. Hiện khối lượng giao dịch 20 phiên của SAB là khoảng 110 nghìn đơn vị nên nếu thanh khoản của SAB trong thời gian ở dưới mức này là điều có thể tạo được niềm tin.
Thoái vốn chưa thực sự rõ ràng nhưng kết quả kinh doanh vẫn có thể cao hơn ước tính
Một trong những kỳ vọng giúp cho chuỗi tăng giá của SAB kéo dài hơn 1 tuần là việc nhà đầu tư cho rằng nhà nước sẽ thoái vốn khỏi SAB trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo SSI, hiện chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn nhà nước sau khi QĐ 908 được ban hành (sửa đổi việc thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2020). Theo Quyết định, SAB phải chuyển cho SCIC muộn nhất vào ngày 31/8/2020, và sẽ được thoái vốn sau đó. Hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc SCIC sẽ bán cổ phần của SAB trong năm 2020 hay không.
Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tại Việt Nam trong 6 tháng cuối năm mà không có đợt bùng phát mới. Sự phục hồi của phân khúc bia sẽ đi cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Sản lượng sản xuất bia đã phục hồi mạnh mẽ vào tháng 5 và tháng 6 (tăng 50% -55% so với sản lượng trung bình trong tháng 2 - tháng 4 và chỉ giảm nhẹ 8% và 6%), theo Tổng cục thống kê đã củng cố kỳ vọng về phục hồi của ngành.
Ngoài ra, SAB khẳng định xu hướng lạc quan vào cuối quý II. Tất cả những yếu tố này cho thấy triển vọng tươi sáng hơn nhiều đối với ngành bia trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù người dân trong nước đã quay trở lại nhịp sống như bình thường, nhưng không có thêm một ca lây nhiễm Covid nào trong cộng đồng nữa. Những thực tế này diễn ra trong mùa cao điểm là mùa hè vào quý II là dấu hiệu rất tích cực với ngành bia Việt Nam và SAB.
Về chính sách bán hàng và tiếp thị, SAB đã thực hiện những chương trình hấp dẫn để thúc đẩy mức tiêu thụ bia trên kênh off-premise (như tiêu thụ tại nhà). SAB đã triển khai các chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng đối với các nhãn hiệu như Saigon Lager, Saigon Export và gần đây nhất là 333 ở miền Trung và miền Nam, như các giải thưởng bao gồm: chỉ vàng may mắn, xe máy Honda Airblade, điện thoại Samsung Galaxy và thẻ cào điện thoại. Các chương trình khuyến mãi này được triển khai với mong muốn người tiêu dùng sẽ thúc đẩy tiêu thụ tại kênh off-premise.
Gần đây, SAB đã ra mắt nhãn hiệu mới có tên là Lạc Việt nhân dịp kỷ niệm 145 năm thành lập. SAB nhấn mạnh sản phẩm mới được phát triển bởi các nhà sản xuất bia Việt Nam và dành cho người Việt Nam. Bia Lạc Việt không chỉ là sản phẩm kỷ niệm 145 năm thành lập, mà còn là nhãn hiệu tiếp theo được kỳ vọng sẽ giành được thêm thị phần ở miền Bắc.
Trong khi đó, SAB sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí trong điều kiện doanh thu giảm như hiện nay. SAB đã cắt giảm chi phí nhân công bằng cách giảm lượng nhân viên thời vụ, và thanh toán lương theo năng suất làm việc. Dự án chuyển đổi trên chuỗi cung ứng và hệ thống quản lý kho của SAB mang lại một số lợi ích thực sự về khả năng hiển thị hàng tồn kho thực tế, nâng cao năng suất, lỗi vận hành ít hơn và tiết kiệm chi phí hoạt động. Trên thực tế, công ty đã tiết kiệm được 1 khoản tiền trong những tháng gần đây về chi phí đóng gói và chi phí thuê văn phòng trong tháng 4 và tháng 5. Chi phí vận chuyển cũng có thể giảm trong 6 tháng cuối năm, theo SAB. Công ty cũng đang xem xét việc lắp đặt năng lượng mặt trời tại một số nhà máy bia, điều này cho thấy sự cam kết về phát triển bền vững của công ty.
Hiện mức tiêu thụ chậm khiến SAB đã phải cắt giảm sản xuất ở một số nhà máy bia. Ngoài ra, SAB đã hoãn việc mở rộng công suất tại các nhà máy bia Củ Chi và Sóc Trăng, cũng như trong một vài khoản đầu tư khác. Công ty có 26 nhà máy bia trên khắp cả nước, SAB có thể sẽ ưu tiên sản xuất tại các nhà máy bia của riêng mình. SAB không chỉ bán nguyên vật liệu cho các nhà máy bia trong hệ thống, mà còn mua lại thành phẩm từ các nhà máy bia này. Như vậy, SAB có một năng lực thương lượng nhất định đối với các đối tác này.
SSI ước tính SAB sẽ đạt 27,96 nghìn tỷ đồng (-26%) doanh thu thuần và đạt 4,25 nghìn tỷ đồng (-21%) lợi nhuận sau thuế trong năm 2020. Mặc dù SAB sẽ không phục hồi về mức như trước khi xảy ra dịch Covid-19/trước khi có NĐ 100 trong ngắn hạn, nhưng ước tính của SSI vẫn cao hơn lần lượt là 26% và 31% đối với kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của SAB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận