Cổ phiếu ngành xây dựng “lao đao” vì giá thép tăng
Cổ phiếu CTD (Coteccons), HBC (Xây dựng Hòa Bình), ACC (Xây dựng Bình Dương ACC),… đều sụt giảm trái chiều với đà tăng của nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép trong vòng 1 tháng trở lại đây…
Theo các chuyên gia kinh tế - chứng khoán, ngành xây dựng vốn có biên lợi nhuận mỏng, lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt, hay bị chiếm dụng vốn… nay lại phải đối mặt với việc giá thép tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ bị ăn mòn lợi nhuận, dự án đội chi phí dẫn tới lỗ nặng.
Vì thế, đà sụt giảm của các mã chứng khoán ngành xây dựng trên thị trường chứng khoán là không khó lý giải.
Giá thép tăng "phi mã", cổ phiếu ngành xây dựng lao đao
Từ cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép như: Thép Hòa Phát, thép Thái Nguyên, thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép được liên tục điều chỉnh báo giá, có khi trong 1 tuần thay đổi vài lần giá bán.
Khảo sát trên thị trường, thép cuộn Hòa Phát CB240 có giá khoảng 15,8-16,4 triệu đồng/tấn, còn thép cây CB300 ở mức 15,8-16 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép cuộn CB240 của Thái Nguyên ở mức 16,4-16,8 triệu đồng/tấn, còn giá thép cây CB300 hơn 16,2-16,5 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 300.000 đồng/tấn. 2 sản phẩm này của thép Việt Đức cũng tăng giá mạnh hơn 1 triệu đồng/tấn, được chào bán với giá lần lượt khoảng 16-16,1 triệu đồng/tấn.
Không nằm ngoài xu thế chung, Pomina cũng tăng giá thép cuộn CB240 lên 16,5 triệu đồng/tấn, giá thép CB300 lên 16,6 triệu đồng/tấn.
Không chỉ có giá thép tăng, các loại vật liệu khác như cát, xi măng… cũng đồng loạt tăng. Chẳng hạn, xi măng Hoàng Long tăng 40 ngàn đồng/tấn, xi măng Xuân Thành tăng 40 ngàn đồng/tấn đối với sản phẩm bao rời, xi măng Bỉm Sơn tăng 30 ngàn đồng/tấn…
Giá bất động sản tăng một phần cũng vì chi phí xây dựng tăng nhanh trong vài năm trở lại đây...
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh khiến cho cổ phiếu nhóm ngành xây dựng trong vòng 1 tháng trở lại đây sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, "ông lớn" CTD (Công ty CP Xây dựng Coteccons) hiện đang giao dịch ở mức giá 67.500 đồng/CP (phiên 23/4), giảm khoảng 13% từ vùng giá 77.000 đồng/CP cách nay khoảng 1 tháng (giữa tháng 3/2021).
Cổ phiếu Coteccons cũng bay mất khoảng 13% thị giá trong gần 1 tháng qua...
Tương tự, cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình) cũng giảm hơn 15% thị giá từ 19.000 đồng/CP xuống còn 16.700 đồng/CP.
Cổ phiếu ACC (Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC) sụt giảm khoảng 10%, từ vùng giá hơn 17.000 đồng/CP, về mức giá 15.700 đồng/CP như hiện tại…
Cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình) cũng "bốc hơi" khoảng hơn 15% thị giá trong hơn 1 tháng qua...
Sở dĩ, giá thép tăng ngay lập tức phản ánh trên giá cổ phiếu các nhà thầu xây dựng, theo giải thích của các chuyên gia kinh tế - chứng khoán, là bởi vì hầu hết các nhà thầu xây dựng đều đang phải ứng tiền trước mua thép để đảm bảo thời gian thi công dự án. Tuy nhiên, đa số công trình xây dựng kéo dài hai, ba năm, nên việc thanh, quyết toán rất khó khăn, không biết khi nào mới thu hồi vốn. Đó sẽ là một khó khăn rất lớn cho các nhà thầu xây dựng.
Chưa kể, với các DN sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh thì khoản tiền phải trả lãi cũng là gánh nặng rất lớn.
Dè dặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận khi chưa… lường được khó khăn
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các dự báo trước đó về giá thép chỉ tăng tối đa hết quý 2/2021 là rất khó, khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác. Hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo giá sẽ tăng hết quý 3/2021. Thậm chí có ý kiến cho rằng, dự báo đến quý III/2021 vẫn là một dự báo an toàn, tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn đến hết năm nay, thậm chí là năm sau.
Coteccons đặt mục tiêu lợi nhuận gần như đi ngang trong năm 2021.
Trước tình trạng này, nhiều công ty chứng khoán cũng thay đổi cách nhìn về ngành xây dựng. Mới đây Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, các cổ phiếu ngành xây dựng đang gặp nhiều thử thách, bắt nguồn từ một nguyên nhân chung đó là chiếc bánh thị phần không còn liên tục nở ra với tốc độ thần kỳ như giai đoạn bùng nổ 2013-2018. Vì thế, việc cạnh tranh giá thầu sẽ ngày càng gay gắt, gây sức ép lên biên lợi nhuận vốn đã mỏng của ngành xây dựng.
Các nhà thầu có quy mô hoạt động lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro dòng tiền tăng khi không nhiều chủ đầu tư duy trì được nguồn tiền do tác động của Covid-19. Theo đó, VDSC cho rằng các tổng thầu dân dụng sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng, thậm chí sẽ ghi nhận doanh thu giảm trong năm 2021.
Trên thực tế, dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 nhưng đa số các DN ngành xây dựng đều đưa ra kế hoạch thận trọng cho năm 2021.
Chẳng hạn, với "ông lớn" Coteccons, doanh nghiệp dự kiến doanh thu hợp nhất là 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 2% so với thực hiện trong năm 2020. Kế hoạch này có phần thận trọng bởi năm 2020, doanh thu của Coteccons ở mức 14.558 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế 334,5 tỷ đồng, giảm 28% so với báo cáo tự lập. Mức lợi nhuận này giảm 53% so với năm 2019 và hoàn thành 56% kế hoạch năm.
Tương tự, với Xây dựng Hòa Bình, kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 235 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và gấp 2,79 lần kết quả năm 2020.
Nếu so với kết quả kinh doanh những năm trước, có thể thấy Xây dựng Hòa Bình ngày càng đặt kế hoạch đi lùi. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Hòa Bình lần lượt đạt 777 tỷ đồng (năm 2018) và 403 tỷ đồng (năm 2019) và 114 tỷ đồng (năm 2020). Trong khi đó, dòng tiền kinh doanh cũng liên tiếp bị hao hụt thêm, ghi nhận giá trị âm 182 tỷ đồng (năm 2018); âm 706 tỷ đồng (năm 2019) và âm 291 tỷ đồng (năm 2020).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường