Cổ phiếu ngành dược đồng loạt giảm mạnh liên quan gì đến câu chuyện vaccine?
Nhiều mã cổ phiếu ngành dược sau một thời gian tăng mạnh, nay liên tiếp quay đầu giảm giảm. Đơn cử, VMD có 3 phiên giảm sàn liên tiếp sau khi tăng 200% giá trị chỉ trong 1 tháng.
Cổ phiếu ngành dược đồng loạt giảm mạnh
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành y tế toàn cầu được cho là có cơ hội tăng trưởng vượt trội do được “hưởng lợi” nhiều từ nhu cầu gia tăng về điều trị và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, ngành y tế Việt Nam không những không có sự gia tăng trong các hoạt động đầu tư mà còn đang có dấu hiệu suy giảm bởi những tác động của đại dịch.
Chỉ số sản xuất Công nghiệp tháng 8 năm 2021 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp đã không có sự tăng trưởng ở các giai đoạn trước dịch, khi luôn thuộc nhóm thấp nhất toàn thị trường.
Điều này đã khiến cho cổ phiếu các doanh nghiệp y tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đạt mức sinh lời thấp hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác. Đã có những thời điểm các cổ phiếu ngành dược nhanh chóng tăng vọt trước những kỳ vọng được hưởng lợi, vậy nhưng đã không thể duy trì được đà tăng và quay đầu.
Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 8/9, nhiều mã cổ phiếu ngành dược sau một thời gian tăng mạnh, nay liên tiếp quay đầu giảm. Đơn cử, VMD có 3 phiên giảm sàn liên tiếp sau khi tăng 200% giá trị chỉ trong 1 tháng. Tương tự SPM giảm sàn, DDN, DCL, TNH, PMC, DVN, OPC, DHG chìm trong sắc đỏ.
Điều chỉnh sau thời gian tăng nóng
Sự bứt phá mạnh của nhóm cổ phiếu dược được giới đầu tư cho rằng liên quan tới câu chuyện vaccine Covid-19. Vào tháng 6, bộ Y tế đã công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine.
Trong đó có không ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Dược Phẩm Trung ương 1 (DP1), Dược phẩm Codupha (CDP), Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN), Dược Bến Tre (DBT), Vimedimex (VMD), Dược – Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN).
Trên thực tế, các mã cổ phiếu liên quan tới câu chuyện vaccine Covid-19 đều tăng mạnh, nổi bật là VMD với chuỗi 17 phiên tăng trần liên tiếp từ 9/8 tới nay sau khi ký hợp đồng nhập khẩu vaccine Pfizer, Sputnik V. và Janssen (Johnson & Johnson).
Ngoài ra, một số chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng yếu tố dịch chuyển dòng tiền là một trong những nguyên nhân nữa khiến cổ phiếu ngành dược bay cao. Do giai đoạn hiện tại, dòng tiền không bị rút ra thị trường nên có xu hướng xoay vòng sang nhóm Mid Cap và các ngành chưa tăng nhiều, trong đó có dược phẩm.
Điều này là có cơ sở bởi nội tại doanh nghiệp dược phẩm vẫn chưa cải thiện đáng kể. Xét trong nhóm doanh nghiệp có cổ phiếu tăng nóng được khảo sát phía trên, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm thậm chí còn có phần giảm sút so với cùng kỳ.
Những thông tin trên giúp cho ngành dược được nhà đầu tư chú ý trong thời gian gần đây, qua đó giúp cổ phiếu tăng giá tích cực. Tuy nhiên, nếu diễn biến này chỉ do yếu tố chu kỳ dòng tiền thì cơn sóng khó kéo dài. Sự điều chỉnh giảm trong một vài phiên gần đây là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, một số mã khác như VDP, DHG bị sụt giảm do chịu ảnh hưởng chung của ngành. Đây là những mã có nội tại tốt, sự tăng trưởng cổ phiếu không quá nóng khi chỉ ghi nhận mức tăng khoảng 13% trong 3 tháng gần đây, kết quả kinh doanh khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2021.
Chưa kể, với danh mục sản phẩm sản xuất chủ yếu phục vụ mùa dịch như kháng khuẩn, sát khuẩn, hạ sốt và được bán chủ yếu cho kênh bệnh viện. Đợt điều chỉnh này là cơ hội cho nhưng nhà đầu tư muốn nắm giữ lâu dài mua vào.
Sóng dược sẽ tăng trở lại?
Trong thời gian tới, diễn biến phức tạp của dịch tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện, tác động đến doanh thu kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ).
Điều này sẽ góp phần làm cho kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn) phát triển. Mặt khác giá thuốc OTC không còn bị ràng buộc về luật đấu thầu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Với hàng triệu liều vaccine đã được tiêm và số lượng lớn khác đang về thì sức mua các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, nước điện giải… có thể tăng đáng kể. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về đơn thuốc điều trị tại nhà cho F0 với các sản phẩm quan trọng như Paracetamol, Molnupiravir, Dexamethasone, Methylprednisolone, các loại vitamin…
Nhiều nhà đầu tư nhận định, sau quá trình điều chỉnh giảm hấp thu, kết quả kinh doanh quý III/2021 bật cao có thể khiến sóng dược sẽ tăng trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận