Cổ phiếu họ "Vin" đồng loạt tăng, VN-Index lên hơn 12 điểm
Các cổ phiếu trụ cột trên sàn HoSE đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó có nhóm cổ phiếu họ Vin đã giúp củng cố vững sắc xanh của chỉ số VN-Index.
Thị trường chứng khoán phiên 3/9 biến động theo chiều tích cực. Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, các chỉ số đã bật mạnh lên trên mốc tham chiếu, trong đó, sắc xanh bao trùm lên đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi sự rung lắc xuất hiện ở 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index thì VN-Index lại nới rộng đà tăng và kết thúc với mức điểm cao nhất phiên.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,24 điểm (1,37%) lên 903,97 điểm. Toàn sàn có 235 mã tăng, 170 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,64 điểm (0,51%) lên 126,05 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 67 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,27%) lên 58,96 điểm.
Trong nhóm VN30 chỉ có 3 cổ phiếu giảm giá là CTG, SBT và ROS. Trong số 26 mã tăng giá của nhóm VN30 thì HDB tăng mạnh nhất với 4,6% lên 29.800 đồng/cp, POW cũng tăng 4,5% lên 10.500 đồng/cp, VCB tăng 3,9% lên 86.200 đồng/cp, SAB tăng 2% lên 193.800 đồng/cp.
CTG bất ngờ đi ngược lại xu hướng chung khi giảm 0,8% xuống 25.950 đồng/cp. Đáng chú ý, CTG trong phiên có giao dịch thỏa thuận 24,5 triệu cổ phiếu, trị giá 618 tỷ đồng và toàn bộ đều do khối ngoại thực hiện mua vào. Bên cạnh đó, PVS, NET, VEA, IDC, DNH là các cổ phiếu gây áp lực lớn nhất cho 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bộ 3 cổ phiếu họ “Vin” có một phiên giao dịch tích cực và đóng góp vai trò lớn trong việc giữ nhịp tăng của thị trường. VIC tăng 1,9% lên 94.500 đồng/cp, VRE tăng 3,1% lên 28.100 đồng/cp, còn VHM tăng 1,1% lên 79.600 đồng/cp. Một cổ phiếu vốn hóa lớn khác trong nhóm bất động sản là NVL cũng tăng 0,3% lên 63.200 đồng/cp.
Bên cạnh đó, phần lớn các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng diễn biến theo chiều tích cực. Các mã như PPI, BII, PFL, FDC, DTA và OGC đều được kéo lên mức giá trần. VCR tăng 14,2% lên 23.300 đồng/cp, DXG tăng 2,7% lên 10.150 đồng/cp, KDH tăng 2,2% lên 18.400 đồng/cp. Cổ phiếu THD gây bất ngờ khi tăng đến 5,4% lên 88.000 đồng/cp trong khi phần lớn thời gian của phiên giao dịch đều ở trong mức giá đỏ và thậm chí có lúc giảm xuống còn 78.000 đồng/cp.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản đi ngược lại xu hướng chung có PVL, DRH, LHG, IDJ, TIP hay CRE.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 8.238 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 425 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.562 tỷ đồng. Trong 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường có 3 mã bất động sản là FLC, ITA và OGC, trong đó, FLC khớp lệnh gần 10 triệu cổ phiếu còn ITA và OGC lần lượt là 8 triệu cổ phiếu và 7,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại có diễn biến bất ngờ khi mua ròng 377 tỷ đồng trên toàn thị trường trong đó, khối ngoại mua ròng 390 tỷ đồng trên HoSE còn bán ròng ở 2 sàn HNX và UPCoM. Các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh có VHM, NVL và OGC trong khi đó, VRE là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top mua ròng của khối ngoại với 27 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ năm liên tiếp với mức tăng khá tốt và thanh khoản tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện đã vượt qua được ngưỡng kháng cự quanh 900 điểm, qua đó mở ra dư địa tăng với ngưỡng kháng cự gần nhất tiếp theo quanh 910 điểm (fibonacci extension 50%).
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 9 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 6,36 điểm cho thấy nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về xu hướng hiện tại.
SHS dự báo trong phiên giao dịch 4/9, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 910 điểm (fibonacci extension 50%). Nhà đầu tư đã chốt lời một phần quanh ngưỡng 900 điểm trong phiên 3/9 có thể tiếp tục bán ra một phần nữa nếu thị trường có nhịp tiến tới ngưỡng 910 điểm (fibonacci extension 50%) trong phiên tới. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh sách có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 880 điểm (fibonacci extension 38,2%).
Về thị trường chứng khoán châu Á, tại Trung Quốc Shanghai Composite giảm 0,58% còn Shenzhen Component giảm 0,828%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,49%. Tại Hàn Quốc, Kospi tăng 1,33%. Tại thị trường Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,94%, Topix tăng 0,48%. ASX 200 của Australia tăng 0,81%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận