Cổ phiếu CTG hút mạnh dòng tiền khối ngoại
Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (ViettinBank) tiếp tục được khối ngoại và các công ty chứng khoán tiếp tục mua vào trong 2 phiên giao dịch gần đây với khối lượng lớn.
Phiên giao dịch ngày 3/9, khối ngoại đã trở lại mua ròng 400 tỷ đồng, trong đó riêng cổ phiếu CTG được mua thỏa thuận gần 25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 626 tỷ đồng. Trước đó trong phiên giao dịch ngày 28/8, khối tự doanh các Công ty Chứng khoán mua ròng đột biến mã CTG với giá trị lên đến hơn 676 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý trong giao dịch này đó là đối với hầu hết giao dịch cổ phiếu CTG, khối ngoại bán ròng thỏa thuận 645 tỷ đồng tương ứng 25,8 triệu cổ phiếu CTG. Như vậy, khả năng cao là Chứng khoán công ty đã nhận chuyển nhượng lượng thỏa thuận của cổ phiếu CTG từ tay khối ngoại.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của CTG chỉ tăng 0,2%, lên 16.216 tỷ đồng do nhu cầu tín dụng tăng yếu và ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 trong thời gian qua.
Bù lại, ngân hàng chuyển dịch cơ cấu thu nhập, đẩy mạnh nguồn thu phi tín dụng, nhiều mảng kinh doanh cho kết quả khả quan. Lãi từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm của CTG tăng 10,5%, đạt 2.1616 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 31,7% đạt 1.036 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng tới 185% đạt 389 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 135 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 243 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 36% đạt 470 tỷ đồng. Chỉ thu nhập góp vốn mua cổ phần giảm 40% xuống 250 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, lãi từ các hoạt động phi tín dụng đã đóng góp tới 21,5% cho tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng, tăng so với mức 17,3% cùng kỳ năm 2019.
Tương tự như nhiều ngân hàng khác, CTG bắt đầu thắt chặt chi phí hoạt động, giảm 3,8% trong 6 tháng đầu năm nay, xuống còn 6.599 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động) của CTG hợp nhất được cải thiện, giảm từ 35% xuống gần 32%; chi phí dự phòng rủi ro giảm 10,6% xuống 6.600 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm của CTG đạt 7.460 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6, dư nợ cho vay của CTG đạt 941.487 tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu năm, trong khi trước đó đến cuối tháng 5/2020, tín dụng của ngân hàng vẫn đang tăng trưởng tín dụng âm. Như vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tại CTG đã bật tăng khá mạnh trở lại trong tháng 6.
Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của CTG đạt gần 1,24 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,1% so với đầu năm, tiền gửi của khách hàng tăng 2,3% đạt 913.319 tỷ đồng.
Theo báo cáo đánh giá của Công ty Chứng khoán Everest nhận định, hiện nay CTG đã chuyển đổi cơ cấu danh mục theo hướng tập trung vào khách hàng SME, khách hàng cá nhân, chuyển đổi cơ cấu thu nhập theo hướng giảm phụ thuộc vào thu nhập lãi và số hóa hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, CTG đang chậm chân so với đối thủ cạnh tranh trong việc chuyển đổi cơ cấu danh mục tín dụng khi tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng này tăng chậm. Tuy nhiên đây cũng chính là tiềm năng của CTG, nếu đẩy mạnh bán lẻ, NIM của CTG sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.
Everest ước tính giá trị hợp lý của CTG sẽ ở mức 27.000- 28.000 đồng/cp, xa hơn nữa là vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu, nếu như ngân hàng này tăng được vốn để đáp ứng chuẩn Basel II. Tuy nhiên Evrest khuyến nghị trước những diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nợ xấu tiềm ẩn và rủi ro pha loãng có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng tín dụng của CTG.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi thêm các rủi ro về các khoản nợ xấu tiềm ẩn chưa được thể hiện trên bảng cân đối, bởi CTG đã có lịch sử chuyển nợ xấu quy mô lớn cho VAMC vào các quý cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận