Cổ phiếu còn trong diện cảnh báo, SJM biến động cổ đông lớn
Liên tiếp trong hai phiên giao dịch 19 và 20/09 xuất hiện các giao dịch mua bán từ các cổ đông lớn của CTCP Sông Đà 19 (UPCoM: SJM). Bà Nguyễn Ngọc Kiều Trang thoái vốn, ở chiều ngược lại, bà Nguyễn Thị Ngọc Tú và Công ty TNHH Finsta ngồi vào ghế cổ đông lớn.
Ngày 20/09, bà Nguyễn Ngọc Kiều Trang không còn là cổ đông lớn tại SJM sau khi đã bán toàn bộ 440 ngàn cp, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8.8% xuống còn 0%. Ở chiều ngược lại, bà Nguyễn Thị Ngọc Tú đã mua vào 466.2 ngàn cp, nâng sở hữu từ 2.19% lên 11.52%, chính thức trở thành cổ đông lớn tại SJM.
Trước đó vào ngày 19/09, bà Nguyễn Ngọc Kiều Trang cũng đã bán 448 ngàn cp SJM, hạ tỷ lệ sở hữu từ 17.8% về 8.8%, đồng thời cũng xuất hiện giao dịch mua vào với khối lượng tương ứng từ Công ty TNHH Finsta để tăng sở hữu từ 4.97% lên 13.93% và chính thức trở thành cổ động lớn tại SJM.
SJM trong thời gian dài thanh khoản khá thấy, cổ phiếu này chỉ bắt đầu giao dịch sôi động vào giữa tháng 9 gần đây. Mặc dù không phát sinh giao dịch thỏa thuận nào trong hai ngày 19 và 20/09 nhưng có thể thấy lệnh mua và bán với khối lượng gần tương đồng nhau giữa những cổ đông này.
Chiếu theo giá đóng cửa ngày 19/09 là 5,200 đồng/cp và ngày 20/09 là 5,100 đồng/cp, ước tính bà Trang đã thu về gần 4.6 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, bà Tú và Công ty TNHH Finsta lần lượt chi ra gần 2.4 tỷ đồng và hơn 2.3 tỷ đồng.
Về phần cổ đông lớn mới Finsta, Công ty từng cùng với SJM mua vào cp CTCP May Thanh Trì (UPCoM: TTG) khi CTCP Tập đoàn Haprosimex thoái toàn bộ 54.36% vốn. Cụ thể Finsta mua 485 ngàn cp và sở hữu 24.87% vốn, còn SJM mua 483.2 ngàn cp và sở hữu 24.78% vốn TTG, người mua còn lại là bà Lưu Thị Mai. Vừa qua, Finsta đã không còn là cổ đông lớn tại TTG sau nhiều lần bán vốn, tính đến ngày 30/08 tỷ lệ sở hữu của Finsta tại TTG đã về mức 0%.
Về kết quả kinh doanh SJM, năm 2022, Công ty lỗ sau thuế hơn 3 tỷ đồng chủ yếu do Công ty phải xuất toán giá trị khối lượng hoàn thành tại công trình thủy điện Lai Châu lỗ gần 300 triệu đồng. Bên cạnh đó hoạt động kinh doanh chứng khoán của Công ty lỗ gần 720 triệu đồng, đồng thời Công ty phải trích lập dự phòng bổ sung tổn thất đầu tư với giá trị gần 1.8 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ phiếu SJM đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 17/03/2023 do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ ba năm liên tiếp trở lên.
Kết phiên giao dịch 27/09, cổ phiếu SJM đạt 7,300 đồng/cp, tăng hơn 30% so với đầu năm 2023, thanh khoản trung bình hơn 14 ngàn cp/phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường