Cổ phiếu cảng biển “nổi sóng”, nhiều mã tăng kịch biên độ
Hầu hết các cổ phiếu nhóm cảng biển đều tăng mạnh thậm chí tăng kịch biên độ với tình trạng “trắng bên bán” trong phiên 8/8, có thể kể đến như DVP, TCL, TCW, VSC,…
Thị trường chứng khoán vừa có một phiên giao dịch (8/8) tương đối tích cực khi các chỉ số quan trọng như VN – Index và HNX – Index đều tăng điểm. Dòng tiền cho thấy dấu hiệu quay trở lại với thanh khoản trên HoSE hơn 6.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 5 trong đó giá trị thỏa thuận vào khoảng 2.600 tỷ đồng.
Dòng tiền lan tỏa tại nhiều nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, dầu khí, bất động sản,…Nổi bật nhất là nhóm cảng biển với nhiều cổ phiếu tưởng như đã bị nhà đầu tư lãng quên. Hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều tăng mạnh thậm chí tăng kịch biên độ với tình trạng “trắng bên bán” trong phiên hôm nay (8/8), có thể kể đến như DVP, TCL, TCW, VSC,…
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu cảng biển nhằm đón đầu sự dịch chuyển dòng vốn FDI đồng thời thể hiện kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nhóm ngành này nhờ hưởng lợi từ EVFTA.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2019 nói chung và quý II vừa qua nói riêng của nhiều doanh nghiệp nhóm ngành này cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định “xuống tiền” của nhà đầu tư.
Điển hình như Cảng Đình Vũ (mã DVP), dù doanh thu giảm 7% xuống 289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này vẫn tăng 13% lên đạt 169 tỷ đồng, hoàn thành 65% kế hoạch năm. Lãi ròng sau thuế cũng tăng nhẹ so với nửa đầu năm ngoái lên gần 141 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 3.520 đồng.
Chỉ tính riêng trong quý II, lợi nhuận trước thuế của Cảng Đình Vũ đã đạt 111 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nhờ hoạt động tài chính tăng đột biến.
Ở chiều ngược lại, dù doanh thu gần như đi ngang, Gemadept (mã GMD) lại báo lại trước thuế giảm tới 78% so với nửa đầu năm 2018, xuống mức 398 tỷ đồng do doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh khi không còn khoản lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư. Lãi ròng sau thuế thu về 348 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 289 tỷ đồng.
Riêng trong quý II vừa qua, lợi nhuận trước thuế của Gemadept cũng giảm gần 16%, xuống gần 237 tỷ đồng trong khi doanh thu lại tăng 12% lên 668 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động khai thác cảng và logistics.
Trong khi Cảng Đà Nẵng (mã CDN), Kho vận Tân Cảng (mã TCW), ICD Tân Cảng – Long Bình (mã ILB) hay Cảng Đoạn Xá (mã DXP) đều tăng trưởng lợi nhuận thì Viconship (mã VSC) và Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (mã TCL) lại “cài số lùi” trong kỳ vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận